Tại sao từ một người vô danh, chỉ trong một thời gian ngắn, tiếng tăm ông chủ tập đoàn FLC bỗng nổi như cồn, trở thành tỷ phú sàn chứng khoán. Bài viết của tác giả Phan Thế Hải sẽ làm rõ vấn đề này.
Tôi với chú Quyết (Trịnh Văn Quyết) là chỗ quen biết lâu năm, phải đến hơn 2 chục niên, có nhiều điểm tương đồng, cả hai cùng nghiên cứu về thị trường chứng khoán. Trong lĩnh vực này về mặt lý thuyết tôi được phong là ‘giáo sư’ còn về mặt thực tiễn, danh hiệu này dành cho chú Quyết.
Năm 2006, nghĩa là sau mấy năm khai trương Sở giao dịch Chứng khoán Tp. HCM, khi người Việt còn mắt tròn mắt dẹt với thị trường chứng thì tôi đã cho xuất bản cuốn: “Thị trường chứng khoán và luật chơi”. Đây cũng là một trong những cuốn sách đầu tiên của người Việt viết về thị trường chứng khoán non trẻ với những ví dụ tham sảo sinh động về nền kinh tế nước nhà.
Thật tình cờ, sau đó ít lâu, Quyết cũng cho xuất bản cuốn “Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn từ góc độ pháp lý”. Cuốn này Quyết viết chung với nghiên cứu sinh Đào Mạnh Kháng. Trong lần gặp lại nhau cách đây hơn chục niên ở văn phòng trên đường Lê Đức Thọ, Quyết rất tự hào vào tủ lục tìm một cuốn gửi tặng tôi. Hồi đó, Quyết mới ngoài 3 mươi, mới nổi, chưa mấy người biết đến như bây giờ.
Rồi ít lâu sau đó, Quyết tạo dựng được tiếng tăm đến nỗi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa phải cử một đoàn ra Hà Nội tìm đến văn phòng Trịnh Văn Quyết để mời gọi đầu tư. Tại cuộc gặp mặt đó, hai bên đã có biên bản ghi nhớ để rồi, Quyết kéo quân vào Sầm Sơn làm tổ hợp nghỉ dưỡng sân golf- bất động sản Sầm Sơn rộng 300 ha, rất hoành tráng.
Xin được nói nhỏ, khu đất này vốn là của Nguyễn Đức Kiên (ông chủ cũ của ngân hàng ACB) ‘xí phần’ đã lâu nhưng không triển khai. Tháng 8/2012, Nguyễn Đức Kiên vào tù nên Thanh Hóa mới có cớ để thu hồi rồi giao lại cho tập đoàn FLC.
Được giao dự án khủng, Quyết kéo quân vào triển khai rầm rộ rồi “thuận tay dắt bò”, làm luôn cả hàng loạt dự án hạ tầng ở Sầm Sơn, trong đó có đại lộ Hồ Xuân Hương ven biển đẹp mê hồn.
Ít lâu sau đó, tiếng tăm của Quyết nổi như cồn. Theo chân Thanh Hóa, Quảng Ninh cũng khăn gói lên Hà Nội vời Quyết về làm tổ hợp dự án sân Golf Hạ Long. Dự án này của Đoàn Văn An (chủ cũ sân golf Chí Linh) đã ‘xí phần’ cả chục niên trước đó nhưng không triển khai. Nhân tiện An bị bắt, Quảng Ninh thu lại rồi giao cho Quyết…
Vẫn phong cách cũ, Quyết đổ quân, đổ tiền ồ ạt vào Quảng Ninh. Không lâu sau đó, Quyết lại được Bình Định mời vào để làm tổ hợp FLC ở Nhơn Hội. Dự án này khủng hơn nhiều, quy mô cả ngàn ha khiến thị trường bất động sản Quy Nhơn sau nhiều năm đóng băng nay trở nên sôi sùng sục, đất đai tăng giá phi mã…
Chứng kiến sự lớn mạnh thần tốc của Trịnh Văn Quyết, bà con nông hộ không khỏi băn khoăn rằng, Quyết kiếm đâu ra lắm tiền thế? Đằng sau Quyết chắc phải có nhiều đại gia chống lưng? Rằng Quyết được ông bạn Bốn tốt từ bên kia biên giới đổ tiền vào?
Âm thầm quan sát những bước đi táo bạo của ông bạn vong niên, tôi thấy mình già thật rồi, tính không lên tiếng nhưng rồi, cách đây hơn hai tháng, khi xẩy ra vụ “Giao dịch cổ phiếu” không minh bạch của Quyết, tôi đã viết bài “Nhà cái” hay “tổ lái” chứng khoán “Pump & Dump” để hầu bà con nông hộ hiếu kỳ.
Truyền thống ngàn năm của người Việt, việc làm ăn đều dựa vào nguyên lý: mua rẻ-bán đắt, mua một-bán hai. Thế nhưng, khi tiếp cận với thị trường tài chính thì công thức làm giàu cũ đã trở nên lạc hậu.
Với những người có trí khôn như Quyết, người ta thường sử dụng đòn bẩy tài chính và công cụ nợ. Theo đó, chỉ cần một số vốn vừa phải, bằng trí khôn và sự liều lĩnh người ta có thể tham gia những dự án lớn gấp số vốn hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Hệ số nợ là chỉ số thể hiện mức độ doanh nghiệp sử dụng công cụ đòn bẩy.
Hệ số nợ càng cao chứng tỏ công ty rất ưa sử dụng công cụ này, ngược lại, hệ số nợ càng thấp thì doanh nghiệp không quá lạm dụng đòn bẩy tài chính. Những báo cáo tài chính của FLC và các công ty liên quan đều được công bố công khai, bà con có thể vào đọc để phân tích về các con số.
Khi nghiên cứu về những con rồng châu Á, tôi nhận ra rằng, sự trỗi dậy của một cường quốc đòi hỏi một thị trường vốn mạnh, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi không chỉ trong nước mà còn cả ở nước ngoài.
Theo con số thống kê của Ủy ban Chứng khoán, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đến đầu năm 2022 đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng, tương đương với 335 tỷ USD. Con số này cũng xấp xỉ bằng GDP của quốc gia trong 1 năm. Sự hưng thịnh của thị trường chứng khoán về cơ bản đã phản ánh tình trạng tích lũy quyền lực của quốc gia trong những năm qua…
Ngày 29/3/2022, Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) bắt tạm giam, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Quyết bị bắt là chuyện không lạ, dám làm dám chịu. Với một người trẻ tuổi và thông minh như Quyết, cơ hội vẫn còn nguyên trước mắt để có thể sau cơn hoạn nạn, tiếp tục trở lại cuộc đua trên thương trường Quyết à!
Phan Thế Hải
Thời gian qua, Hilltop Valley tiếp tục khẳng định vị thế của mình, là điểm…
Ngày 18/11 vừa qua, tại Lễ ký kết đào tạo và phổ cập golf cho…
Giải Vô Địch Các Câu Lạc Bộ Golf Nữ Toàn Quốc 2024 (Vietnam Club Championship-VCC…
Kể từ đầu năm tới, trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (Hà Nội) dạy golf…
Sự kiện golf lớn nhất trong năm 2024 của sân golf Tam Đảo đã về…
Với thành tích 8 điểm, CLB ĐH Giao thông vận tải đã lên ngôi quán…