Phía sau ánh hào quang chiến thắng và khối tài sản trị giá hàng chục triệu USD là hàng nghìn giờ khổ luyện, là ý chí kỷ luật tuyệt đối của các golfer chuyên nghiệp.
Golf là môn thể thao có nhiều đại diện nằm trong danh sách những vận động viên kiếm nhiều tiền nhất trên thế giới. Chúng ta đã quá quen với hình ảnh những ngôi sao làng golf có thu nhập và sở hữu khối tài sản hàng trăm triệu USD xuất hiện trên các mặt báo.
Tất nhiên những giải thưởng nhiều triệu USD, những hợp đồng quảng cáo béo bở không phải dành cho tất cả các golfer chuyên nghiệp.
Chỉ có những vận động viên (VĐV) hàng đầu mới thu hút được tỷ lệ thu nhập chênh lệch như vậy giữa hợp đồng quảng cáo và tiền thưởng thi đấu giải.
Vậy phần lớn golfer chuyên nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam, họ kiếm tiền như thế nào?
Cuối năm 2017, tạp chí Forbes công bố danh sách 25 vận động viên kiếm nhiều tiền nhất trong lịch sử thể thao thế giới. Trong đó, golf là môn thể thao đóng góp số lượng VĐV nhiều nhất, 5 người.
Đặc biệt, có tới 4 golfer nằm trong danh sách rút gọn 10 VĐV kiếm nhiều tiền nhất mọi thời đại. Tất cả đều là những cái tên quen thuộc với những người hâm mộ môn golf.
Đầu tiên, Tiger Woods xếp ở vị trí thứ 2 (sau ngôi sao bóng rổ Michael Jordan, 1,85 tỷ) với số tiền ước tính 1,7 tỷ USD.
Vị trí thứ ba thuộc về huyền thoại quá cố Arnold Palmer với 1,4 tỷ USD. Jack Nicklaus, chủ nhân của 18 danh hiệu Major xếp vị trí thứ 4 với 1,2 tỷ USD.
Golfer người Mỹ, Phil Mickelson đứng ở vị trí thứ 6 với 815 triệu USD. Golfer cuối cùng nằm trong danh sách Top 25 thuộc về ‘Cá mập trắng’ nước Úc Greg Norman với 705 triệu đô và vị trí thứ 13.
Nhìn lại lịch sử phát triển của golf trong vòng 50 năm qua, người hâm mộ sẽ dễ dàng nhận thấy, tổng tiền thưởng của các hệ thống giải đấu chuyên nghiệp golf trên thế giới đã ghi nhận bước những tăng trưởng đều đặn.
Tiêu biểu nhất là hệ thống giải nhà nghề số 1 thế giới (PGA Tour). Năm 1970, tổng giá trị giải thưởng của 55 giải đấu thuộc hệ thống PGA Tour thời điểm đó là 5,5 triệu USD.
Con số này đã tăng lên 46,3 triệu USD dành cho 44 giải đấu mùa giải 1990, rồi lên tới 342 triệu USD dành cho 47 giải đấu trong năm 2017.
Mới nhất, tổng tiền thưởng của 46 sự kiện trong mùa giải 2018-2019 hiện là 389,3 triệu USD.
• Giải đấu có tổng giá trị thưởng thấp nhất: 3 triệu USD (Puerto Open)
• Giải đấu có tiền thưởng lớn nhất: 46 triệu USD (Tour Championship), trong đó nhà vô địch nhận 15 triệu USD. Tiếp đến là Players Championship (12,5 triệu), nhà vô địch nhận 2,5 triệu.
Tương ứng với sự mở rộng về quy mô và giá trị giải thưởng, con số tiền thưởng dành cho golfer kiếm nhiều tiền nhất năm cũng gia tăng theo thời gian.
Nếu như vào năm 1970, Lee Trevino mới chỉ kiếm được 157.037 USD, thỉ chỉ sau đó 20 năm, Greg Norman đã nhận số tiền thưởng lên tới 1.165.477 USD.
Mùa giải năm ngoái, Justin Rose là người kiếm tiền giỏi nhất trên tour, đã nhận số tiền thưởng lên tới 18,1 triệu USD.
Tại mùa giải năm nay, dù chưa kết thúc, Brook Koepka hiện đang là người đứng đầu danh sách golfer kiếm tiền thưởng nhiều nhất tại PGA Tour với 7,8 triệu USD.
Dù con số tiền thưởng tại mỗi giải đấu vẫn đều đặn tăng sau mỗi mùa giải, song đối với các golfer chuyên nghiệp, tiền thưởng không đóng vai chính tạo nên khối tài sản khổng lồ của họ.
Theo ước tính, hơn 60% nguồn thu nhập của các golfer đến từ các hợp đồng quảng cáo, các show truyền hình, sự kiện, viết sách, thiết kế sân golf, hay thậm chí đầu tư vào các lĩnh vực khác như: bất động sản, sân golf và các doanh nghiệp…
Theo Forbes, điểm lại thu nhập năm 2018 của các golfer hàng đầu thế giới, người hâm mộ có thể kiểm nghiệm được điều này.
Tiger Woods dẫn đầu thu nhập với 63,9 triệu USD, trong đó chỉ 9,9 triệu USD đến từ tiền thưởng còn 54 triệu USD từ quảng cáo. Tiếp theo, đến Phil Mickelson có tổng thu nhập là 48,4 triệu USD, nhưng chỉ có 12,4 triệu USD tiền thưởng, số còn lại đến từ các hợp đồng quảng cáo.
Đứng ở vị trí thứ ba là Rory McIlroy với tổng thu nhập 39 triệu USD, trong đó chỉ có 8 triệu đến từ tiền thưởng của giải đấu, số còn lại đến từ các nguồn khác.
Nhưng phía sau ánh hào quang chiến thắng và khối tài sản trị giá hàng chục triệu USD là hàng nghìn giờ khổ luyện, là ý chí kỷ luật tuyệt đối của các golf thủ chuyên nghiệp.
“Tất cả các công tác chuẩn bị và triển khai tại FLC Vietnam Masters 2019 Presented by Porsche đều được thực hiện theo mô hình của các giải đấu chuyên nghiệp lớn. Qua giải đấu, các golfer sẽ có khái niệm rõ ràng hơn cho quá trình chuẩn bị của một giải đấu chuyên nghiệp, từ đó có kế hoạch chi tiết để tập luyện và thi đấu”, ông Nguyễn Thái Dương cho biết.
Đây đã là năm thứ 3 giải đấu được tổ chức. Năm nay giải mang tên FLC Vietnam Masters 2019 Presented by Porsche, diễn ra từ ngày 31/7-3/8 tại sân golf FLC Hạ Long.
“Đã là golfer chuyên nghiệp phải đứng trên đôi chân của chính mình”
Đây là lời tự sự của golfer Phạm Minh Đức – Á quân giải FLC Vietnam Masters 2017, trước thềm giải đấu ít ngày.
Thời điểm đó, việc Việt Nam lần đầu tiên có một giải đấu chuyên nghiệp với số tiền thưởng trị giá hơn 1 tỷ đồng như FLC Vietnam Masters, đã khiến các golfer vô cùng háo hức và phấn khích.
Theo golfer Phạm Minh Đức, mong muốn của các golfer Việt Nam là làm sao có môi trường chuyên nghiệp để họ có đất dụng võ, có cơ hội kiếm tiền. Đó là điều rất quan trọng với các golfer, bởi đã là VĐV chuyên nghiệp, họ phải đứng trên đôi chân của chính mình.
Từ đây, nhìn sang câu chuyện phát triển của golf chuyên nghiệp tại Việt Nam, không khó để nhận ra, nếu so sánh với thế giới, golf Việt Nam còn quá non trẻ, golf chuyên nghiệp chỉ mới chập chững ở những bước đầu tiên.
Chỉ một số ít golfer chuyên nghiệp từng thi đấu trên tour và đạt được một số thành tích nhất định như Nguyễn Thái Dương hay Trần Lê Duy Nhất.
Bắt đầu làm quen với golf từ khi 14 tuổi, chơi golf chuyên nghiệp được 7 năm, nhưng Nguyễn Thái Dương bất ngờ dừng sự nghiệp thi đấu của mình, chuyển sang công tác đào tạo và phát triển giải golf chuyên nghiệp thường niên có tên FLC Vietnam Masters.
Cựu golfer chuyên nghiệp Nguyễn Thái Dương, cho biết, khi một golfer thi đấu chuyên nghiệp và đạt những thứ hạng nhất định, đó vẫn chỉ là thành tích cá nhân. Vậy nên, cá nhân Thái Dương và các cộng sự mong muốn đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của golf chuyên nghiệp Việt Nam,
Theo golfer Nguyễn Thái Dương, để golf thực sự tiến lên chuyên nghiệp, còn rất nhiều khó khăn cần vượt qua.
Cụ thể, golf chuyên nghiệp nói riêng và thể thao chuyên nghiệp nói chung ở Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn. Thể thao Việt Nam khá lạc hậu so với thế giới, từ chế độ dinh dưỡng, kế hoạch tập luyện, chương trình hồi phục cho đến máy móc, công nghệ phục vụ thi đấu và luyện tập. Và golf cũng không ngoại lệ.
“Đến thời điểm này, các golfer chuyên nghiệp ở Việt Nam gần như không nhận được sự hỗ trợ nào từ các sân golf, cơ sở luyện tập đỉnh cao hầu như không có, HLV chuyên nghiệp như sao mai buổi sớm, giải đấu chuyên nghiệp thi thoảng có một vài.
Tất nhiên chúng ta mới chỉ ở trong những bước đi đầu tiên của ngành công nghiệp golf tại Việt Nam.
“Tuy nhiên, những bước đi đầu, trong đó tiền thường là những bước đi quan trọng nhất, chúng ta cần một hệ thống giải golf chuyên nghiệp vững trãi để nâng bước cho nền golf nước nhà”, ông Thái Dương tâm sự.
Từ những mong muốn, mục tiêu nêu trên, sự kiện thứ ba của FLC Vietnam Masters, diễn ra từ ngày 29/7 đến 3/8, tại sân FLC Golf Club Ha Long, được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang tới cho các golfer chuyên nghiệp Việt Nam những trải nghiệm mới, vốn chỉ xuất hiện tại giải đấu quốc tế.
Từ đó, mỗi golfer sẽ tự trang bị cho bản thân những kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết trước khi bước ra các đấu trường khắc nghiệt hơn trong khu vực và trên thế giới.
“Tất cả các công tác chuẩn bị và triển khai tại FLC Vietnam Masters 2019 Presented by Porsche đều được thực hiện theo mô hình của các giải đấu chuyên nghiệp lớn. Qua giải đấu, các golfer sẽ có khái niệm rõ ràng hơn cho quá trình chuẩn bị của một giải đấu chuyên nghiệp, từ đó có kế hoạch chi tiết để tập luyện và thi đấu”, ông Nguyễn Thái Dương cho biết.
Theo ông Dương, FLC Vietnam Masters 2019 Presented by Porsche ra đời mong muốn phát triền nền golf của Việt Nam hơn nữa. Bởi ở bất cứ quốc gia, khu vực nào, hệ thống chuyên nghiệp mới là nền tảng quan trọng nhất.
Một đất nước muốn sở hữu nền công nghiệp golf phát triển, bắt buộc hệ thống golf chuyên nghiệp phải mạnh. Tại Mỹ, nơi có hệ thống golf chuyên nghiệp tốt nhất nhất thế giới cũng là nơi nền công nghiệp golf phát triển mạnh nhất.
Bởi chơi golf chuyên nghiệp là để kiếm tiền, không chỉ là để cho vui, nên khi càng có nhiều giải đấu với giá trị lớn, sẽ có càng nhiều người tham gia.
Theo Nhân Đạo&Đời Sống
Khi không khí Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025 đang tràn ngập khắp mọi nơi,…
TaylorMade khai trương Fitting & Shopping Center tại Hà Nội vào ngày 18/01/2025 tại 221…
Hiệp Hội Golf Việt Nam (VGA) và Công ty CP Thăng Long TM Việt Nam…
Hiệp Hội Golf Việt Nam (VGA) hôm 14/1 đã tổ chức sự kiện công bố…
Bạn đã sẵn sàng nâng tầm trải nghiệm đánh golf của mình chưa? Sân Golf…
Giải đấu Vietnam Golf Countdown 2024 đã khép lại thành công tốt đẹp tại sân…