Dubai – Một ‘Bậc thầy’ về kinh doanh du lịch, sự kiện

Không phải ngẫu nhiên Dubai, thành phố lớn nhất của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là một điểm đến ưa thích của các nhà tổ chức sự kiện quốc tế.

Dubai đang là nơi diễn ra sự kiện World Expo 2020 – Hội chợ triển lãm lớn nhất thế giới trong 6 tháng, từ 1/10/2021 đến 31/3/2022, với sự tham dự của hơn 190 quốc gia vào các hoạt động sáng tạo, hợp tác và đổi mới.

Sự kiện diễn ra tại khu vực có diện tích 4,38 km2, gấp 2 lần Công quốc Monaco và dự kiến đón lượng khách là hơn 25 triệu người, tương đương dân số nước Úc, trong đó 70% là khách quốc tế.

Tòa nhà Mái vòm Al Wasl, nơi tổ chức lễ Khai mạc Expo Dubai, cao 67,5, hơn 10m so với chiều cao tháp nghiêng Pisa. (Nguồn: Oman Magazine)

Dự kiến, Expo Dubai sẽ cung cấp 8.000 điểm truy cập wifi, hơn 200 gian hàng thực phẩm, đồ uống và phục vụ hơn 500.000 suất ăn vào ngày cao điểm.

Những con số ấn tượng kể trên không chỉ cho thấy quy mô của sự kiện World Expo 2020 tại Dubai, mà còn phần nào khẳng định vai trò của ngành du lịch sự kiện tại tiểu vương quốc phát triển bậc nhất Trung Đông này.

Tại sao là Dubai?

Ngày 27/11/2013, Cục Triển lãm Quốc tế có trụ sở tại Paris (BIE) quyết định Dubai là thành phố đăng cai tổ chức Expo 2020, sau khi tiểu vương quốc này xuất sắc giành 116/168 phiếu bầu của thành viên BIE, vượt qua Ekaterinburg (Nga) ở vòng 3 cuộc bình chọn.

Hai thành phố tiềm năng khác cho vị trí chủ nhà Expo 2020 là Sao Paolo (Brazil) và Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ) đã lần lượt bị loại ở vòng 1 và 2.

Từ khi đề xuất nguyện vọng đăng cai Expo 2020, Dubai đã là ứng cử viên sáng giá, được nhiều nước có truyền thống tổ chức World Expo và có tiếng nói trong BIE như Anh, Italy, Canada và Hà Lan ủng hộ.

Dubai gây ấn tượng bởi những thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc chỉ trong hơn 40 năm từ khi UAE chính thức thành lập (1971).

Hơn hết, thành phố này mang đến hy vọng về việc một đất nước có thể thay đổi thế nào với tầm nhìn, niềm tin và lao động chăm chỉ.

Nguyên Thủ tướng Anh David Cameron đã dành những lời có cánh khi nói về Dubai trước thời điểm BIE bỏ phiếu tháng 11/2013 như sau: “Chỉ trong chưa đến 50 năm, từ một thị trấn đánh bắt cá và ngọc trai, Dubai đã chuyển mình trở thành một trong những thành phố quốc tế nhất thế giới…

Việc tổ chức Expo 2020 ở Dubai sẽ nhắc thế giới nhớ về một Trung Đông tiềm năng và năng động, nguồn kiến tạo cho các thế hệ ngày xưa, ngày nay và mai sau”.

Tổng thư ký BIE Vincente Loscertales cũng chia sẻ tương tự khi giải thích lý do Dubai được chọn tổ chức Expo 2020, cho biết đây là thành phố có kết nối với nhiều khu vực, châu lục về hệ thống thương mại, tài chính và giao thông.

Ngoài ra, việc đưa Expo đến một thành phố Arab, Hồi giáo ở Trung Đông cũng góp phần mang lại cái nhìn tích cực hơn về khu vực vốn được biết đến nhiều bởi xung đột.

“…Việc tổ chức Expo 2020 ở Dubai sẽ nhắc thế giới nhớ về một Trung Đông tiềm năng và năng động, nguồn kiến tạo cho các thế hệ ngày xưa, ngày nay và mai sau”. (Nguyên Thủ tướng Anh David Cameron)

Không chỉ có Expo

Đến nay, Dubai đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện quy mô quốc tế… và định vị được tên mình trên bản đồ du lịch thế giới như là điểm đến hàng đầu của du lịch kinh doanh và giải trí.

Trong hơn 10 năm qua, số lượng khách nghỉ qua đêm tại Dubai tăng đều đặn hàng năm, từ 6,9 triệu (2007) lên 15,92 triệu khách (2018).

Dubai đứng ở vị trí thứ 4 (giai đoạn 2016-2018) trong số các thành phố du lịch toàn cầu, sau Bangkok, Paris và London (theo Master Card’s “Global Destination Cities Index” 2019).

Du lịch đóng góp 11,5% vào GDP của Dubai năm 2019 (Báo cáo thường niên của Dubai 2019) và du lịch Dubai xếp số 1 trong “Top 10” nguồn tạo ra thị phần kinh tế mạnh nhất (Báo cáo về các thành phố của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới).

Trong đó, ngành du lịch kết hợp hội họp, khuyến khích, hội nghị và sự kiện (MICE) đã đạt tăng trưởng rất ấn tượng.

Chỉ riêng Trung tâm Thương mại thế giới Dubai (DWTC), khu phức hợp lớn nhất Trung Đông được xây dựng từ năm 1979 phục vụ các sự kiện và triển lãm đã thu hút hơn 2,5 triệu khách tham quan, thu về 3,57 tỷ USD tương đương 3,3% GDP của Dubai năm 2018.

Đến năm 2019, DWTC đón lượng khách tăng 4% so với 2018, đạt mức kỷ lục 3,57 triệu khách tham dự 349 hội nghị, hội thảo, triển lãm và sự kiện kinh doanh các loại; 97 sự kiện trong số đó có quy mô trên 2.000 người.

Trong 2 năm liên tiếp từ 2019 đến 2020, Dubai được vinh danh là điểm đến tốt nhất khu vực Trung Đông và thế giới cho du lịch MICE.

Du lịch MICE đã và đang góp phần quan trọng vào đa dạng hóa nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, thúc đẩy việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên phục vụ giải trí và cho phép tăng trưởng cân bằng toàn ngành du lịch thành phố.

Kể từ khi thành lập năm 1979, Dubai World Trade Center đã là địa điểm tổ chức của hơn 5.000 sự kiện doanh nghiệp và MICE các loại. (Nguồn: icd.gov.ae)

Hiện thực hóa tầm nhìn

Đây là kết quả của quá trình hiện thực hóa tầm nhìn của lãnh đạo Dubai và UAE, dưới sự giám sát và điều hành trực tiếp của Sở Du lịch và Tiếp thị Thương mại Dubai (DTCM) từ năm 1997 đến nay.

Cơ quan này đã thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy tăng trưởng cả cung và cầu, xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch Dubai, trong đó tập trung chiến lược vào tổ chức và chủ trì triển lãm, hội nghị và sự kiện phù hợp với chính sách về đa dạng kinh tế của Dubai.

DTCM liên tục vận động chính phủ UAE mở rộng số lượng quốc gia mà công dân có thể mua thị thực khi đến. Hiện chính sách này đã được áp dụng với công dân EU (từ 3/2014), Trung Quốc (11/2016), Nga (2/2017) và Ấn Độ mang hộ chiếu có thị thực Mỹ còn hiệu lực hoặc có thẻ xanh (3/2017).

DTCM cũng thúc đẩy doanh nghiệp địa phương và quốc tế đầu tư mạnh vào xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng…

Nguồn vốn đầu tư của chính phủ và tư nhân vào du lịch năm 2016 đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tương đương 7% tổng đầu tư vào toàn bộ nền kinh tế UAE (theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới) và sẽ còn tăng trong bối cảnh Dubai cần chi 8 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng trước thềm Expo 2020.

Trung bình, DWTC đón hơn 3 triệu lượt khách tham dự khoảng 500 sự kiện/năm. Tuy nhiên, sự bùng phát của Covid 19 và chính sách phong tỏa, giãn cách, cắt giảm đường bay ở quy mô toàn cầu đã tác động tiêu cực đến hoạt động của DWTC.

Trong bối cảnh đó, DTCM cùng DWTC – trung tâm du lịch MICE của Dubai, của UAE và toàn khu vực Trung Đông đang nỗ lực thích ứng với tình hình mới bởi lẽ, tham vọng của Dubai chưa bao giờ thôi cháy bỏng suốt 50 năm qua.

Nơi trú ngụ của giới siêu giàu thời Covid

Kể từ mở cửa trở lại cho khách du lịch mùa Hè năm 2020, Dubai – thành phố đông dân nhất Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã nhanh chóng trở thành điểm nghỉ dưỡng thân thiện thời đại dịch.

Thay vì phải cách ly bắt buộc nhiều ngày, du khách giờ có thể tụ tập và mở tiệc trong các quán bar, bãi biển, khách sạn hay khu nghỉ dưỡng.

Những trung tâm thương mại sang trọng sầm uất là thiên đường cho giới siêu giàu châu Âu thoát khỏi hạn chế tại đất nước của họ. Vài nhân vật “có máu mặt” khắp thế giới còn vung tiền sở hữu nhiều dinh thự siêu khủng tại Dubai.

Nhiều đòn bẩy

Chiến lược của Dubai trước cơn bão Covid-19 vô cùng đơn giản: “Tiêm chủng toàn dân và giữ mọi thứ thông thoáng, kinh doanh như bình thường”.

Việc phản ứng bài bản và quyết liệt đối phó đại dịch đã giúp nơi đây sớm mở cửa trở lại.

Với mật độ dân cư thấp, môi trường sạch sẽ, đô thị hiện đại cùng tỷ lệ tiêm chủng toàn dân cao, Dubai là một trong số ít địa điểm sinh sống tương đối tốt thời đại dịch.

Điều này đã thu hút nhiều người siêu giàu từ châu Âu, Trung Đông và châu Á tới đây tránh dịch.

Khách sạn Armani/Amal nổi tiếng ở Dubai. (Nguồn: L’Officiel)

Chính sách miễn thuế thu nhập, tài sản cùng lợi tức vốn cho công dân, đồng thời không đánh thuế doanh nghiệp, đã trở thành đòn bẩy thu hút nhà đầu tư nước ngoài chọn Dubai làm nơi cư trú lâu dài.

Bên cạnh đó, UAE còn cấp thị thực cư trú cho người mua, đầu tư bất động sản cao cấp, đồng thời có thể cấp thị thực làm việc từ xa, thị thực hưu trí hay thị thực “vàng” có thể gia hạn.

Trong một động thái chưa có tiền lệ, nước này còn cấp quốc tịch cho một nhóm người nước ngoài cấp tiến.

Đồng thời, để nâng cao thương hiệu quốc tế, UAE thậm chí đã thay đổi quy tắc pháp luật Hồi giáo nghiêm ngặt, từ đó cho phép các cặp đôi chưa kết hôn chung sống.

Ngoài ra, công dân nước ngoài có thể tuân thủ luật pháp nước ngoài về ly hôn và thừa kế.

Trung tâm mua sắm Dubai Mall. (Nguồn: Time Out Dubai)

Bất động sản cao cấp lên ngôi

Tầm nhìn của Dubai về cuộc sống thượng lưu thời đại dịch đã được hiện thực hóa, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài tích cực đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế nước này.

Giao dịch bất động sản ở Dubai 6 tháng đầu năm 2021 đã chứng kiến bước nhảy vọt chưa từng có kể từ năm 2013 khi tăng 69,2% và 46,4% so với cùng kỳ năm 2020 và 2019.

Tuy nhiên, các phân khúc bất động sản lại biến động theo chiều hướng đối lập.

Một mặt, những căn hộ hay bất động sản tầm trung gặp khó khi nguồn cung dư thừa từ nhiều năm nay. Trong bối cảnh đại dịch, giá thuê các bất động sản loại này tiếp tục lao dốc, lần lượt giảm 8,1% và 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Chẳng hạn, giá bán căn hộ ở tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa đã giảm từ 14.000 USD vào năm 2013 xuống còn 4.300 USD/m2 tháng 6/2021.

Mặt khác, doanh số bất động sản cao cấp ở Dubai quý I/2021 đã nhảy vọt 230% so với năm 2020. Biệt thự hạng sang với đầy đủ tiện nghi lại được săn đón với giá thuê tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng tháng 5/2021, công ty tư vấn bất động sản Property Monitor đã chứng kiến 90 bất động sản trị giá 2,7 triệu USD giao dịch thành công, phá kỷ lục 84 giao dịch đạt được hồi tháng 3, vượt qua mức cao nhất vào 8 năm trước. Trong khi đó, cả năm 2020, Dubai chỉ ghi nhận 54 giao dịch ở phân khúc này.

Giám đốc điều hành của Luxhabitat Sotheby’s International Realty, George Azar cho biết: “Với các bất động sản độc đáo và chính sách miễn thuế, Dubai là sự lựa chọn hiển nhiên”.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, 22 căn biệt thự trị giá hơn 10 triệu USD đã giao dịch thành công, đạt kỷ lục mới kể từ năm 2015 và đã vượt qua con số 19 căn của cả năm 2020.

Palm Jumeirah là một trong những hòn đảo nhân tạo nổi tiếng nhất thế giới. (Nguồn: Shutterstock)

Theo báo cáo của Luxhabitat Sotheby’s International Realty, giá trị các biệt thự ở Dubai trong quý I/2021 đã tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, theo Property Finder, trang web bất động sản lớn nhất Dubai, giá trị ở một số khu vực hạng sang đắc địa đã tăng tới 40%.

Ông Chris Boswell là người đứng đầu một trong những đại lý bất động sản danh tiếng nhất Dubai, nắm giữ kỷ lục về giao dịch bán biệt phủ đắt nhất Dubai được định giá 50 triệu USD.

Trả lời phỏng vấn báo Arabian Bussiness, nhà môi giới này tiết lộ: “Lần đầu tiên trong nhiều năm, nhu cầu tìm kiếm các khu phức hợp hạng sang với khung cảnh lam ngọc xen lẫn cát trắng của những bãi biển tuyệt đẹp trên đảo Palm Jumeirah đã vượt trội hoàn toàn so với nguồn cung ở Dubai. Quý I/2021 là một trong những quý giao dịch suôn sẻ nhất kể từ năm 2007-2008”.

Tương tự, ông Matthew Cooke, nhà quản lý penthouse trên quần đảo Palm Jumeirah cho biết: “Nhiều người giàu từ châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Trung Đông đến mua bất động sản hàng triệu USD ngay tại chỗ mà không cần thẩm định”.

Doanh số bất động sản ở Palm Jumeirah tháng 4 đã chiếm 43% tổng số giao dịch bất động sản toàn Dubai.

Tháng 3/2021, một gia đình Thụy Sỹ đã vung tiền để sở hữu dinh thự One 100 Palm, đắt thứ 2 Dubai với 30,2 triệu USD.

Thương vụ đắt giá nhất tính đến hiện tại là dinh thự 32,9 triệu USD hồi tháng 7 vừa qua.

Dinh thự One ICC Palm tại Dubai có diện tích 1.254 m2, với toàn bộ nội thất và đồ trang trí đến từ thương hiệu Louis Vuitton và Hermes. (Nguồn: Mansion Global)

Không thể phủ nhận Dubai còn là nơi để tìm kiếm món hời cho những người mua có túi tiền rủng rỉnh khi bất động sản tại đây được định giá thấp hơn so với nhiều thành phố lớn khác trên thế giới.

Với 1 triệu USD, người mua có thể sở hữu 15 m2 không gian ở Dubai, trong khi ở London hay New York, con số này có thể gấp 5 lần.

Chênh lệch ấy khiến các nhà đầu tư không ngần ngại đổ tiền, đóng góp vào phục hồi kinh tế của UAE sau đại dịch.

Theo Báo Quốc tế

Tin tức liên quan