Không chỉ các tuyển thủ golf quốc gia Việt Nam, hầu hết các tài năng golf trẻ thế giới từ lâu đã lựa chọn nước Mỹ là điểm đến để theo đuổi sự nghiệp golf của mình. Điều gì đã khiến Hoa Kỳ luôn là đích đến mơ ước cho những ai yêu thích và muốn tiến xa hơn trên con đường golf chuyên nghiệp?
Từ Ngô Bảo Nghi, Đỗ Lê Gia Đạt trước đây cho đến các tuyển thủ golf quốc gia, các tài năng golf trẻ như Thảo My, Hanako, Chiêu Dương, Hùng Dũng… hiện nay đều lựa chọn nước Mỹ là nơi phát triển tài năng và môi trường phát triển cho sự nghiệp của mình.
Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng, những huyền thoại Arnold Palmer, Jack Nicklaus, Tiger Woods, Phil Mickelson, Ryan Moore…đã trưởng thành từ đâu? Câu trả lời duy nhất: Hệ thống NCAA (Hiệp hội VĐV các trường đại học toàn nước Mỹ)
Mặc dù không phải là quốc gia sản sinh ra golf, nhưng từ lâu Hoa Kỳ đã trở thành cường quốc golf số 1 thế giới. Không chỉ có số lượng người chơi đông đảo, sở hữu số lượng sân golf đứng đầu thế giới, Mỹ có thể tự tin khẳng định rằng, họ có thế hệ vận động viên trẻ tiềm năng hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.
Ở Mỹ, có rất nhiều chương trình, quỹ và tổ chức ủng hộ sự phát triển của các vận động viên trẻ. Tuy nhiên, hệ thống môn golf thuộc tổ chức NCAA là một trong những giải đấu trẻ danh tiếng nhất của Mỹ, nơi ươm mầm phát triển cho rất nhiều tài năng trẻ.
Giải đấu của NCAA được chia làm 3 bảng đấu và được tổ chức giữa các trường đại học khắp trên nước Mỹ. Golfer trẻ đang thi đấu thành công tại PGA Tour, nhà vô địch nghiệp dư Mỹ và NCAA 2015, Bryson DeChambeau là một trong những trường hợp điển hình từng trưởng thành từ môi trường này.
Bảng đấu danh giá và thu hút nhiều sự chú ý nhất là bảng 1 (Division 1). Bảng đấu này phần lớn quy tụ đội tuyển các trường đại học lớn, và thi đấu tối thiểu 14 môn thể thao. Các vận động viên (VĐV) ở bảng 1 đa số có cơ hội nhận trợ cấp toàn phần bao gồm học phí, sách vở, ăn ở và tập luyện. Mục tiêu duy nhất của các VĐV đó là, thi đấu mang danh dự về cho trường.
Divison 2 và 3 thường bao gồm những trường đại học ít danh tiếng hơn và không được chú ý nhiều bằng các trường thuộc Division 1. Các VĐV thuộc bảng 2 nhận được sự hỗ trợ kinh tế nhưng không được nhận học bổng toàn phần. Còn bảng 3, VĐV không được phép nhận học bổng nhưng số lượng giải đấu tương đối ít.
Môi trường NCAA tạo ra cho các VĐV một môi trường học tập và thi đấu chuyên nghiệp ngay từ khi bắt đầu chập chững bước vào sân chơi của golf.
Những huyền thoại golf Mỹ và thế giới như Anorld Palmer, Jack Nicklaus hay Tiger Woods chính là những người từng trưởng thành từ NCAA.
Nhờ những danh tiếng được xây dựng từ nhiều năm qua, do vậy, đối với những bậc phụ huynh trên toàn thế giới, đặc biệt tại châu Á có mong muốn cho con cái theo nghiệp cầm gậy đều ưu tiên lựa chọn NCAA.
Cựu tuyển thủ QG, golfer đầu tiên từng tham gia thi đấu tại NCAA chia sẻ: “Đối với một VĐV nước ngoài, được nhận học bổng toàn phần của một trường đại học ở bảng 1 là một cơ hội rất lớn để Nghi trưởng thành hơn trên con đường thực hiện đến giấc mơ. NCAA không chỉ tạo điều kiện cho tôi tham gia thi đấu trong một môi trường rất chuyên nghiệp, mà còn cho tôi một cơ hội để hoàn thành bằng cử nhân đại học như tôi mong muốn.”
Là một tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, do đó NCAA đòi hỏi ở các VĐV phải tuân thủ tất cả các luật lệ mà NCAA đã đề ra. Sau khi được nhận vào học, các VĐV bắt buộc phải qua một kì sát hạch sức khỏe và tư cách trước khi được tham gia thi đấu.
Tiêu chí quan trọng nhất trước khi kí hợp đồng với NCAA, các VĐV phải là golfer nghiệp dư và không được nhận hỗ trợ kinh tế từ bất cứ tổ chức nào.
Nếu VĐV vi phạm một trong những điều khoản của NCAA, VĐV đó sẽ chịu những hình phạt nghiêm khắc và có thể sẽ bị mất quyền thi đấu. Đa số VĐV năm đầu rất khó khăn để làm quen với việc điều phối thời gian giữa học và tập luyện. Huấn luyện viên nắm rõ thời khóa biểu trên trường của từng VĐV trong đội tuyển, do đó, ngoài giờ đến trường, các VĐV phải dành thời gian ở trên sân.
Mỗi học kì, các VĐV phải tham gia khoảng 5 đến 6 sự kiện thuộc NCAA. Phần lớn các giải đấu sẽ diễn ra ở trong những tiểu bang mà đội tuyển trường đó trực thuộc, và các bang lân cận. Các trường trong khu vực sẽ tạo nên một hội đồng riêng để thi đấu vào cuối mùa giải và chọn ra trường mạnh nhất để tham gia thi đấu trong 3 khu vực lớn nhất của nước Mỹ (miền Tây, miền Nam, Đông Bắc)
Hệ thống giải golf của NCAA quy định: các VĐV sẽ thi đấu 54 hố, áp dụng cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, các VĐV thuộc bảng 1 thi đấu theo tiêu chuẩn ‘’nặng đô’’ hơn. Tee thi đấu của họ đấu xa hơn từ 200-500 yards so với các đồng nghiệp ở 2 bảng còn lại.
Các VĐV Nam thuộc bảng 1 phải thi đấu ở khoảng cách trung bình là 7000-7500 yards, trong khi các VĐV nam ở bảng 2 và 3 là 6700-7200 yards. Tương tự, các VĐV Nữ bảng 1 sẽ thi đấu trong khoảng cách 6000-6500 yards, nhưng bảng 2 và 3 thì chỉ đánh khoảng 5500-5900 yards.
Thông thường mỗi giải đấu sẽ diễn ra trong 3 ngày, mỗi ngày 18 hố. Tuy nhiên, có rất nhiều giải đấu chỉ diễn ra trong 2 ngày, nghĩa là ngày đầu tiên sẽ đánh 36 hố và ngày thứ 2 (cũng là ngày cuối cùng) sẽ đánh 18 hố. Trong suốt quá trình tham dự giải, các VĐV phải tự vác gậy của mình hoặc dùng xe đẩy.
Thể thức thi đấu rất đơn giản, không chia bảng, không có handicap, tất cả đánh từ 0. Do đó, ai thấp điểm nhất sẽ là người chiến thắng. Mỗi đội sẽ có 5 người thi đấu chính thức, nhưng điểm của đội sẽ dựa trên 4 điểm số tốt nhất.
Mỗi giải đấu của NCAA sẽ được tính điểm để xếp thứ hạng cá nhân thế giới (WAGR). Do vậy các trường đại học rất chú trọng thứ hạng của họ bởi vì hạng càng thấp thì sẽ tạo cho họ rất nhiều thuận lợi hơn.
Đầu tiên, top 50 đội sẽ tự động tham gia giải 3 khu vực lớn mà không cần phải qua giải hội đồng.
Tiếp theo, trường có thứ hạng tốt sẽ thu hút các VĐV giỏi để thay thế cho các VĐV đã tốt nghiệp. Mỗi VĐV thi đấu trong hệ thống NCAA đều chỉ có tư cách tham gia thi đấu chính thức trong 4 mùa giải, mỗi mùa giải bắt đầu từ tháng 8 cho đến tháng 5 năm sau.
Trong trường hợp, VĐV bị chấn thương hay không có khả năng thi đấu, họ sẽ được huấn luyện viên mời ra nghỉ cho đến khi họ sẵn sàng thi đấu. Thời gian nghỉ thi đấu, sẽ không được tính vào 4 năm chính thức.
Vừa phải tập trung luyện tập vừa phải dành thời gian thi đấu tại các giải đấu nhưng các VĐV không được phép lơ là việc học tập ở trường.
Họ hầu như không có lúc nào rảnh rỗi bởi lịch tập luyện và thi đấu luôn dày đặc. Các VĐV cũng không được tự ý nghỉ học bởi họ được các thày cô theo dõi khắt khao để báo cáo lên ban huấn luyện.
Điểm thi sẽ được gửi về đều đặn cho các huấn luyện viên để họ có thể theo dõi và hối thúc VĐV của mình. Theo luật của NCAA, các VĐV phải đạt điểm trung bình tối thiểu là 2.0/4.0 mới có thể tiếp tục tham gia thi đấu.
Có thể nói rằng, con đường trở thành một golfer chuyên nghiệp không chỉ có thảm đỏ và hoa hồng mà đằng sau nó là cả một quá trình rèn luyện gian khổ, cố gắng không ngừng nghỉ. Nhưng bù lại, những VĐV trẻ được thi đấu, học tập trong một môi trường thể thao chuyên nghiệp, nơi khởi đầu của những VĐV nghiệp dư đỉnh cao của thế giới.
Hơn thế nữa, môi trường này còn cho họ cơ hội có được một tấm bằng đại học để sau này nhìn lại, họ sẽ không bao giờ hối hận về sự lựa chọn của mình.
Ngô Bảo Nghi, theo NĐ&ĐS
Thời gian qua, Hilltop Valley tiếp tục khẳng định vị thế của mình, là điểm…
Ngày 18/11 vừa qua, tại Lễ ký kết đào tạo và phổ cập golf cho…
Giải Vô Địch Các Câu Lạc Bộ Golf Nữ Toàn Quốc 2024 (Vietnam Club Championship-VCC…
Kể từ đầu năm tới, trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (Hà Nội) dạy golf…
Sự kiện golf lớn nhất trong năm 2024 của sân golf Tam Đảo đã về…
Với thành tích 8 điểm, CLB ĐH Giao thông vận tải đã lên ngôi quán…