Khám phá chủ nhà Euro: Bucharest-Paris của phương Đông

Cùng Nhà báo Anh Ngọc tiếp tục khám phá chuỗi các thành phố chủ nhà của Euro 2020-Bucharest, thủ đô Romania, nơi diễn ra 4 trận đấu của giải.

Không quá nổi bật trong giới du lịch nhưng vẻ đẹp của Bucharest khiến bất cứ ai đã đến đều lưu luyến và khắc ghi. Tái hiện một thành phố thời Trung cổ một cách tuyệt vời và chỉn chu từ việc chọn những nguyên liệu cho quá trình xây dựng lại các tòa nhà. Từ đó tạo lên một thành phố bên dòng sông Dambovita thơ mộng với nhiều địa danh đặc sắc cuốn chân du khách.

Vẻ đẹp thời Trung cổ được Bucharest tái hiện một cách tuyệt vời và chỉn chu qua việc chọn lựa những nguyên liệu xây dựng lại các tòa nhà. Nhờ đó, thành phố Bucharest hiện lên đầy cổ kính bên dòng sông Dambovita thơ mộng, với nhiều địa danh đặc sắc níu chân du khách.

Được mệnh danh là “Little Paris”’ của Romania, Bucharest đem lại cho du khách một cảm giác như đang ở tại Pháp từ các công trình kiến trúc cho đến nhịp sống. Tuy nhiên điểm khác biệt duy nhất và quan trọng nhất là giá cả ở đây không “Pháp” chút nào, đặc biệt là ở các quán trà, công viên hay cung điện.

Du khách đến đây sẽ được thoải thích chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc đặc sắc từ các tòa nhà cổ, ngân hàng, viện bảo tàng đến nhà hát và các công trình tôn giáo. Một vài viện bảo tàng nổi tiếng ở Romania: Viện bảo tàng mỹ thuật quốc gia, bảo tàng Theodor Aman, bảo tàng quốc gia Cotroceni Palace, bảo tàng hàng không,…

Đời sống văn hóa đa dạng phong phú của các thế hệ Romania được lưu trữ tại bảo tàng Romania Peasant, nơi đây lưu trữ hơn 18.000 bộ gốm sứ và 20.000 bộ lễ phục truyền thống, cùng những hình ảnh khắc họa đời sống văn hóa hơn 100 năm của người Romania. Đây sẽ là một điểm đến lý tưởng cho những người đam mê khám phá và tìm hiểu những nền văn hóa khác nhau của các quốc gia.

Tôi đã đến đấy mấy năm trước, vào một ngày mùa đông lạnh lẽo cuối năm sau một hành trình khá dài chạy ban đêm trên những con đường rất tối và khó đi của Romania. Nhà tôi thuê một căn hộ ở trung tâm Bucharest. Chỉ cần mở cửa sổ, nhìn ra phía trước, là trong màn đêm lạnh âm 6 độ C, hiện lên sừng sững tòa nhà khổng lồ mà Chủ tịch Romania Nicolae Ceaucescu đã cho xây cách đây hơn 30 năm, để bây giờ trở thành cung Nhân dân, một biểu tượng nước Romania mới.

So với nhiều nước châu Âu, đất nước này vẫn còn nghèo lắm, nhất là ở những vùng nông thôn. Đường sá đầy ổ gà, các tuyến cao tốc còn dang dở, những khu ngoại ô tối tăm và chó vẫn chạy ra đường. Bucharest vẫn lộn xộn xe cộ, nhưng các tòa nhà vẫn nguyên dáng dấp của một thời đã qua.

Nhưng trung tâm Bucharest lại rất đẹp. Khu cổ của nó không hổ danh là một phần của Bucharest ngày trước, vốn có biệt danh là “Paris của phương Đông”. Những gì còn lại từ những nét kiến trúc cổ kính hồi đầu thế kỉ 20 vẫn còn lại, dù một phần đã bị hư hỏng dưới thời của XHCN và trận động đất năm 1977.

Những con phố khá to, những toà nhà lừng lững và được thiết kế rất đẹp, những nhà hát kiểu art nouveau gợi nhớ Paris, công viên Cișmigiu đẹp lạ lùng, như một viên ngọc với hồ nước, những hàng cây và ghế băng kiểu xưa. Những đại lộ như Şoseaua Kiseleff chạy qua những villa cổ kính dẫn đến một Cổng khải hoàn là bản sao của Cổng khải hoàn ở Paris.

Ăn ở trung tâm Bucharest khá ngon, với rất nhiều quán sang trọng nhưng không quá đắt, với những món ăn truyền thống rất ngon như sarmale (bắp cải cuộn), mămăligă (cháo ngô đặc, khá phổ biến ở Romania, Moldova và tôi cũng đã từng ăn một lần ở Ukraine) hay đồ ăn đường phố có bánh covrigi, một loại bánh mì xoắn nhìn rất vui mắt, rất giống bánh pretzel ở Đức, Áo và vùng Alsace của Pháp.

Và khi những con phố cổ trung tâm khiến ta hoài niệm và cảm thấy thanh thản, thì toà nhà quốc hội Romania lại khiến ta ngạc nhiên, vì nó lớn quá, xa hoa quá.

Được Ceaucescu xây như một cách phô trương về kiến trúc, nghệ thuật và sự giàu có của Romania (trên thực tế lúc ấy không phải thế), nó là một tập hợp của rất nhiều đá cẩm thạch, gỗ và thậm chí vàng, với hơn 1 nghìn phòng, trên một diện tích lên tới 700 ha.

Sau khi chế độ Ceauscescu bị lật đổ trong cuộc cách mạng năm 1989, những gì liên quan đến ông và gia đình đều đã bị xoá đi ở nơi đây, nhưng nó không chỉ là một thứ tốn kém ảnh hưởng đến tận bây giờ (mỗi năm, chính phủ Romania phải trả vài triệu euro chỉ tính riêng tiền điện, tiền gas sưởi và tiền chiếu sáng) mà ngay cả bản thân người Bucharest không phải ai cũng tự hào vì nó. Đơn giản bởi nó gắn liền với chế độ Ceaucescu.

Nhưng Bucharest không chỉ có những thứ ấy. Quá khứ của nó gắn liền với Vlad Tepes, một ông hoàng khát máu, người đã là cảm hứng để Bram Stoker sáng tác tiểu thuyết “Dracula”. Nhờ Stoker mà tên tuổi của Dracula được gán với vùng núi rừng Transylvania, nhưng chính triều đại của Vlad bắt đầu ở Bucharest này vào thế kỉ 15, và ông không phải là một con ma cà rồng-vốn được gán với những truyền thuyết về ma đã tồ tại cả nghìn năm ở vùng Transylvania, mà là một người anh hùng đã cùng với dân tộc tôi chống lại sự xâm lăng của quân Ottoman để bảo vệ xứ Wallachia (một vùng đất cổ nằm trên lãnh thổ ngày nay của Romania).

Nhưng để đến được Bucharest, tôi đã có một hành trình không lãng mạn lắm, nhưng thú vị, từ Belgrade, Serbia sang, và điểm đầu tiên là Timisoara.

Trạm kiểm soát ở một huyện lị biên giới với Serbia không lớn, và các anh hải quan thì làm việc rõ lâu. Hình như họ còn tranh luận với nhau một lúc về việc một người Việt Nam có hộ chiếu công vụ, đi xe biển Ý và có thẻ cư trú ở Italia có cần visa không. Thế rồi họ cũng cho đi, không quên gửi theo một câu hỏi, “Đến Timisoara để làm gì?”. Tôi trả lời: “Tôi trên đường đến quê của Dracula”. Họ cười. Và rồi điều đầu tiên tôi thấy khi cái barrier mở ra, là những cánh tay của ai đó giơ lên vẫy vẫy. Đấy là hai bố con nông dân. Họ xin đi nhờ. Tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh này: họ đi nhờ đến biên giới một nước, làm thủ tục xuất rồi nhập cảnh, và lại đi nhờ tiếp ở phía bên kia, ở nước khác, xin đi nhờ các xe vừa nhập cảnh xong.

Romania là thế. Những con đường hôm ấy khô cong vì không mưa, không tuyết, nhưng lạnh lẽo và vắng vẻ. Thi thoảng đâu đó ở một gốc cây lớn, vẫn có những bà già quấn khăn trên đầu, những thanh niên xin đi nhờ. Thế rồi, ở một khúc cua, xuất hiện rất nhanh một chiếc xe ngựa chở đồ. Ô tô đi chung với xe ngựa và xe bò kéo ở Romania hoá ra là chuyện rất bình thường.

Xe đi qua các làng mạc hai bên đường vẫn thắp đèn kết hoa vì khi ấy mới qua Giáng Sinh. Những ngôi nhà nhỏ xây bằng gạch có tường sơn xanh như đang ngủ dưới nắng trưa. Dăm bà cụ đang ngồi trước cửa nhìn ra, trông hệt như những bức tượng. Nông thôn Romania đẹp, nhưng nghèo. Timisoara khá đẹp và thanh bình .

Timisoara, thành phố lớn thứ 3 của Romania, cũng là thành phố đầu tiên của châu Âu được thắp sáng bằng điện vào giữa thế kỉ 19, chính là nơi mở đầu cho cuộc cách mạng 12/1989 dẫn đến cái chết của vợ chồng nhà lãnh đạo Ceaucescu. Những góc đường nhắc đến những cái tên, hầu hết là thanh niên, của những người đã chết trong mùa đông lạnh giá ấy và luôn luôn có hoa tươi.

Người ta không quên họ, và khi hiện thực không khiến họ hài lòng-rất nhiều người Romania bất mãn về hiện thực, dù nước họ đã vào EU, nhưng ở vị trí gần cầm đèn đỏ ở rất nhiều tiêu chí, thì họ lại nghĩ về quá khứ 1989 và rất nhiều những cơ hội đã bị bỏ lỡ để dẫn đến phát triển và giàu sang.

Ở Timisoara cũng như Bucharest, có những đài tưởng niệm những người đã ngã xuống trong cuộc cách mạng tháng 12/1989. Đấy là một năm mang tính bản lề ở Đông Âu. Những bức tường sụp đổ, những hàng rào sắt và bức tượng bị gỡ xuống, cuộc chiến tranh Lạnh kết thúc và chủ nghĩa dân tộc lên ngôi. Ở nhiều nơi cuộc chuyển giao khá êm thấm. Nhưng ở Romania thì khác, khi rất nhiều máu đã đổ, nhiều người đã chết trong các cuộc xuống đường.

Tối hôm ấy, tôi rời Timisoara đi Sighisoara. Thành phố cổ được công nhận là Di sản UNESCO ấy là nơi sinh ra của Vlad Dracul, bố của bá tước Dracula, một nhân vật lịch sử của Romania. Sau đó, nhà tôi đi tiếp đến lâu đài Bran ở ngoại ô Brasov, nơi được cho là nơi mà Dracula đã sống và hút máu người, nhất là các trinh nữ. Nhưng người Bucharest bảo, thực ra Dracula đã dành khá nhiều thời gian ở Bucharest, và chết trong một nhà nguyện nằm trên một cái hồ ở ngoại ô thành phố.

Văn học Phương Tây coi Dracula là một con quỷ, một ma cà rồng, một kẻ tàn bạo. Dân gian Romania lại coi ông là một người hùng. Và hình ảnh xấu xí ghê rợn được mô tả trong tiểu thuyết “Dracula” của Bram Stoker chỉ được biết đến ở đây vào năm 1992, 3 năm sau cái chết của Nicolae Ceaucescu, khi tiểu thuyết này được dịch ra tiếng Romania…

Sân Arena Națională ở Bucharest là nơi diễn ra 3 trận vòng bảng C cùng một trận vòng 1/8 vào ngày 28/6.

Trương Anh Ngọc

Tin tức liên quan