Khám phá Xứ Wales: ‘Vùng đất của Rồng và Lâu đài’

Tối nay, xứ Wales gặp Đan Mạch ở vòng 1/6 Euro, hãy cùng Nhà báo Trương Anh Ngọc làm một hành trình nhỏ đến với xứ Wales ngay bây giờ…

Xứ sở nhỏ bé chỉ 20 nghìn km2, chủ yếu là đồi núi và có hơn 3 triệu dân ấy là một vùng đất thực sự đặc biệt trong lòng Vương quốc Anh.

Vùng đất ấy có ngôn ngữ riêng-tiếng Wales, được nói song song cùng tiếng Anh, một nền văn hoá và bản sắc lâu đời, với rất nhiều những huyền thoại về những người anh hùng, và cả những con rồng (các câu chuyện cổ của xứ Wales khẳng định rồng đã sống trên mảnh đất này, và rồng cũng hiện hữu trên quốc kỳ xứ Wales).

Từng hùng mạnh và độc lập, nhưng dần bị Anh thôn tính và cuối cùng trở thành một phần của Vương quốc Anh từ năm 1536, xứ này vẫn tiếp tục phát triển các nét văn hoá và bản sắc của riêng mình.

Dù chủ nghĩa dân tộc đã trỗi dậy từ đầu thế kỉ 20, cùng với đó là việc gia tăng các phong trào đòi tự trị lớn hơn, thậm chí đòi độc lập khỏi Anh, nhưng Wales vẫn là một quốc gia trực thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Dù vậy, trong hai thập kỷ qua, xứ Wales đã được trao nhiều quyền hạn hơn, có chính phủ riêng, quốc hội riêng và có ghế trong nghị viện châu Âu.

70% cầu thủ tuyển Xứ Wales chơi golf

20 sự thật thú vị về xứ Wales

  • Đỉnh Everest được đặt tên theo George Everest – một nhà địa lý học xứ Wales
  • Chỉ 21% người dân ở xứ Wales có thể nói tiếng bản địa (tiếng Welsh).
  • Wales nổi tiếng là quốc gia có nhiều lâu đài nhất (trên một dặm vuông) hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
  • Pryce Jones đến từ Newtown Montgomeryshire là một trong những doanh nhân đầu tiên trên thế giới thành công với kinh doanh đặt hàng qua bưu điện (Mail Order).
Tuyển xứ Wales có truyền thống mê golf
  • Nhà toán học Robert Recorde đến từ Pembrokeshire là người đã phát minh ra dấu “=”.
  • Các chữ cái K, Q, V và Z không có trong bảng chữ cái tiếng Welsh.
  • Tất cả các bức tượng bao quanh lâu đài Cardiff đều về các con vật.
  • Chơi quần vợt trên sân cỏ (Lawn tennis) xuất hiện lần đầu tiên ở Wales vào năm 1800.
  • Llanfairpwllgwyngyllgogerychwyrndrobwyll-llantysiliogogogoch là tên một thị trấn ở phía Bắc xứ Wales được dịch là: Nhà thờ Thánh Mary trong hốc cây phỉ gần xoáy nước lớn và nhà thờ Thánh Tysilio của động đỏ. Đây cũng là địa điểm có tên dài nhất trên thế giới.
  • Bức điện đầu tiên qua sóng radio do Marconi gửi đi vào năm 1897 là giữa hai địa điểm thuộc xứ Wales.
  • Sân vận động Thiên Niên Kỷ (Millenium) ở Cardiff có mái che di động lớn thứ hai trên thế giới.
  • Wales là vùng đất bí ẩn của hoàng đế Arthur (King Arthur).
  • Câu khẩu hiệu “Cymru am byth” nghĩa là Wales muôn năm.
  • Bài thánh ca Hen Wlad Fy Nhadau nghĩa là “Vùng đất thuộc những người Cha của tôi”.
  • Wales là phần duy nhất của Vương quốc Liên Hiệp Anh không xuất hiện trên cờ của Liên hiệp Anh.
  • Wales có dân số khoảng 3 triệu người.
  • Wales có số lượng cừu gấp 4 lần so với dân số.
  • Những người nổi tiếng gốc Wales bao gồm Richard Burton, Sir Anthony Hopkins, Tom Jones, Catherine Zeta-Jones, Shirley Bassey, Timothy Dalton và Charlotte Church.
  • 7 kỳ quan thiên nhiên của Wales là danh sách 7 địa điểm văn hóa và thắng cảnh ở Wales từng xuất hiện trong một bài thơ dở ẹc vào cuối thế kỷ 18. Tất cả đều nằm ở phía bắc của xứ Wales, bao gồm Snowdon (ngọn núi cao nhất), Gresford Bells (những chiếc chuông trên một nhà thờ cổ ở All Saints, Gresford), Llangollen Bridge ở Flintshire, Wrexham Steeple, những cây thủy tùng ở Overton và thác nước Pistyll Rhaeadr.
  • Thánh David là giám mục xứ Wales trong khoảng thế kỷ 6, sau đó được xem như là thánh bảo hộ của vùng đất này.

Có rất nhiều nơi đáng đến ở xứ Wales. Vùng đất này không chỉ được nêu lên với vài cái tên, như thủ đô Cardiff, một thành phố nhỏ nhưng rất đẹp với chỉ hơn 300 nghìn dân, hay công viên quốc gia Snowdonia, một vùng núi non trùng điệp và nhiều hồ nước, mà đường biển dài và khúc khuỷu của nó có rất nhiều cái tên đáng đưa vào danh sách những nơi cần đi.

Lâu đài Coch, miền Nam xứ Wales

Có thể kể ra vịnh Barafundle, vịnh Three Cliffs, hẻm Fairy Glen trên sông Conwy hay hồ Vyrnwy. Xứ Wales vẫn còn những lâu đài cổ rất đẹp từ thế kỉ 11-14, thời của những lãnh chúa và hiệp sĩ, như lâu đài Dinefwr hay Coch.

Cardiff, thủ phủ xứ Wales

Người xứ Wales phải chăng cũng uống whisky? Đúng thế, whisky Penderyn có lẽ là thứ đồ uống nổi tiếng nhất ở xứ sở đẹp như chuyện cổ tích này, rượu nho xứ Wales cũng có nhiều dòng khá đặc biệt, và đồ ăn ở đây đậm chất truyền thống như cawl (súp xứ Wales, thường nấu với thịt hầm và các loại rau củ), trà xứ Wales (hay uống lúc xế chiều), hay rarebit (bánh mì nướng phết phó mát đun chảy), pho mát xứ Wales khá nổi tiếng, còn thịt cừu xứ Wales và trứng cá xứ Wales từ lâu đã là những đặc sản nổi bật.

Xứ Wales là một trong những nơi đầu tiên có bóng đá hiện đại. Liên đoàn bóng đá xứ Wales được thành lập năm 1876 và tổ chức bóng đá lâu đời thứ ba trên thế giới. Đội tuyển xứ Wales mới chỉ một lần duy nhất lọt vào vòng chung kết World Cup vào năm 1958 (và vào luôn đến tứ kết).

Trong khi đó, tại sân chơi Euro, đây mới là lần thứ 2 họ có mặt ở sân chơi lớn này. Tại kỳ Euro 2016, xứ Wales đã gây bất ngờ lớn khi lọt vào đến tận bán kết.

>>>Ngôi sao bóng đá Gareth Bale bị cấm chơi golf tại Euro 2020

Hải đăng Llanddwyn, Tây Bắc xứ Wales

Trước các trận đấu của mình, xứ Wales sẽ hát quốc ca nào, quốc ca Vương quốc Anh với bài “God save the Queen”?

Không, họ có quốc ca riêng, với tên gốc bằng tiếng Wales là “Hen Wlad Fy Nhadau” (Mảnh đất của cha ông chúng ta), một bài hát được sáng tác vào năm 1856 và rất được yêu thích ở xứ Wales.

Nó được các cổ động viên hát lần đầu trong một sự kiện thể thao được yêu thích lúc ấy là bóng bầu dục vào năm 1905, dù bài hát quốc ca chính thức lúc ấy là “God bless the prince of Wales”. Sau đó, “Hen Wlad Fy Nhadau” bắt đầu được hát cùng với “God bless the prince of Wales” và rồi “God save the Queen” cho tới năm 1975, khi chỉ có “Hen Wlad Fy Nhadau” được hát trước các sự kiện thể thao mang tính quốc gia.

Lời bài quốc ca có đoạn: “Mảnh đất của cha ông thật thân thương với tôi/Mảnh đất cổ kính nơi những người hát rong được tự do và kính trọng/Những chiến binh thật hào hoa và dũng cảm/Họ đổ máu để đánh đổi lấy tự do cho mảnh đất này”…

By Trương Anh Ngọc
Photos: CondeNast Traveler

Tin tức liên quan