Lấy sự nghiệp bản thân làm dự án, Steve Flesch và Zach Johnson đã thành danh ở PGA Tour, nhờ “cổ phần hoá” bản thân, thuyết phục nhà đầu tư bằng niềm tin.
Cả hai đều là người Mỹ và là những tấm gương triệu phú tự thân sau khi thành danh tại PGA Tour thời gian qua.
Steve Flesch sinh năm 1967 bắt đầu tham dự PGA Tour năm 1998 đã sở hữu 4 danh hiệu, kiếm 18,3 triệu USD qua 464 sự kiện.
Trong khi đó, Zach Johnson sinh năm 1976 đang sở hữu 12 danh hiệu, bao gồm hai major (Masters và The Open). Bắt đầu tham gia đấu trường PGA Tour năm 2004, anh đã kiếm được tổng cộng 47,26 triệu USD qua 451 sự kiện.
Không như ngày nay, ở thời của họ, để có thể yên tâm thi đấu ở PGA Tour, ngoài tài năng, Flesh và Johnson còn cần tiền trả phí tranh giải và chi phí đi lại lẫn lưu trú. Và vế sau lại là điều kiện cần cho “quả ngọt” tương lai.
Để giải quyết bài toán tài chính, Flesch và Johnson xem sự nghiệp là dự án.
Flesch tốt nghiệp cử nhân marketing ở Đại học Kentucky. Hồi sinh viên, anh giỏi golf nên được vào tuyển trường. Khi tốt nghiệp, Flesch muốn lên chuyên nghiệp, nhưng chưa rõ cách hay kế hoạch nuôi giấc mơ.
“Bố tôi gợi ý, tôi nên cổ phần hoá tài năng. Ông bảo nếu kiếm được thì cứ trả lãi cho nhà đầu tư nhiều nhất có thể để họ tiếp tục đổ tiền vào. Hồi đó, tôi luôn phải tìm cơ hội đánh giải vì bản thân và gia đình không kham nổi chi phí”, Flesch gần đây kể trên Golf Channel.
Thế là Flesch đặt chỉ tiêu huy động 50.000 USD từ việc bán cổ phần cho 10 nhà đầu tư, mỗi cổ phần trị giá 5.000 USD mỗi năm.
“Đó là số tiền rất lớn hồi 1990. Bạn phải gõ cửa từng nhà để gây dựng niềm tin”, Flesch nói. Anh tìm đến họ hàng, các hội viên CLB Summit Hills Country Club, nơi anh chơi từ nhỏ.
Cuối cùng, hai bạn của bố, em rể của mẹ, bốn anh em họ và ba hội viên thành cổ đông trong “dự án Flesch”. “Tôi trình bày kế hoạch hành động trong năm năm. Câu chuyện suôn sẻ vì họ tin sẽ được hoàn vốn”, Flesch kể.
Johnson cũng là cử nhân và nuôi tham vọng golf đỉnh cao như Flesch. Johnson, tốt nghiệp Đại học Drake năm 1998, ước tính chi phí thi đấu mỗi năm từ 25.000-30.000 USD, nên chào bán cổ phần bản thân với giá 500 USD. “Có người chỉ mua một phần nhưng cũng có vài cổ đông mua 10 phần”, Johnson kể.
Trong bốn năm sau khi rời trường, Johnson cứ bán “niềm tin trên tài năng golf”. Cuối năm, anh lại tổ chức tiệc tối cho nhà đầu tư kết hợp trình bày kế hoạch hoạt động mới.
“Tôi nhớ có hai năm hoàn đủ vốn cho nhà đầu tư, thêm hai năm trả lãi đến 1.000 USD mỗi cổ phần ban đầu. Chỉ năm 2000 tôi mới không trả cổ tức, khi bị cắt loại liên tục 10 giải ở Nike Tour và trụ hạng có điều kiện”.
Flesch vất vả trong hai năm đầu triển khai dự án, khi không qua được giai đoạn hai trong hệ thống thăng hạng – Q-School năm 1990 lẫn 1991. Hai năm sau đó, anh cũng không vào giai đoạn cuối.
Đấu trường hạng Nhì lại không khả quan cho Flesch. Anh đành đi đường vòng, sang Asian Tour. Hồi ấy, Flesch phải chi 10.000 USD cho phí dự 10 sự kiện trong một năm ở đấu trường golf chuyên nghiệp châu Á. “Chẳng khác gì mua vé du thuyền”, anh nhận xét.
Flesch giải quyết phí giải bằng vốn đã huy động, tự kiếm thêm để trả thù lao cho caddie và ăn uống cá nhân. “Tuần nào tôi cũng thuê caddie nữ. Ở Indian Open, thù lao cho caddie chỉ 2 USD. Thế là tội ác, nhưng tôi buộc lòng phải thế”, Flesch nhớ lại.
Dù thi đấu không khởi sắc, Flesch vẫn dự toán 75% thu nhập trong và ngoài sân để hoàn trọn vốn cho các nhà đầu tư mỗi năm. Chiến thuật này chỉ kết thúc khi anh có lãi từ thi đấu.
Với cách ấy, Flesch đoạt vé giai đoạn cuối Q-School vào năm 1996. Một năm sau, anh lên PGA Tour bằng chức vô địch chung kết lớn ở đấu trường hạng nhì Nike Tour (nay là Korn Ferry Tour). Mùa 1998, Flesch đoạt danh hiệu “Tân binh xuất sắc” PGA Tour, về sau thêm bốn Cúp. Flesch hiện đấu ở đấu trường trung niên- Champions Tour.
Giống về huy động vốn, nhưng Johnson khác Flesch về “hoạt động đầu tư”. Flesch nhắm Q-School và hạng Nhì, còn Johnson tập trung tích luỹ từ các nhóm giải nhỏ ở miền Trung Florida, trong ba năm đầu chuyên nghiệp.
Thời gian ấy, anh cùng sáu golfer khác ở chung căn hộ ba phòng ngủ ở Orlando. “Buổi tối, chúng tôi bạ đâu ngủ đấy. Đến sáng lại đi tập hoặc đánh giải. Chẳng ai có nhiều tiền. Đấu trường bé rất có lợi vì từ đó, bạn học được tư duy chiến thắng, bằng không thì chẳng kiếm ra tiền”, Johnson nhớ lại thời khó.
Năm 1999, Johnson vô địch sự kiện Hooters Tour, lĩnh 25.000 USD. “Tôi vẫn nhớ lúc cầm tấm séc tiền thưởng, vợ tôi, lúc đó mới yêu nhau, bảo ‘bằng thu nhập cả năm, anh ạ’. Cô ấy là giáo viên mà”, Johnson nói.
Năm 2003, Johnson lên hạng nhì, khi ấy đổi tên thành Nationwide Tour, đoạt hai danh hiệu, thêm 11 lần về top 10.
Với thành quả tích này, anh đứng đầu bảng tiền thưởng, nhận suất thi đấu toàn phần ở PGA Tour. Năm 2007, Johnson có chức vô địch major đầu tiên – Masters sau cuộc cạnh tranh tay tư, bao gồm Tiger Woods. Đến năm 2015, anh đoạt major thứ hai sau khi chiến thắng ở loạt playoff tay ba tại The Open.
Theo VNE
Thời gian qua, Hilltop Valley tiếp tục khẳng định vị thế của mình, là điểm…
Ngày 18/11 vừa qua, tại Lễ ký kết đào tạo và phổ cập golf cho…
Giải Vô Địch Các Câu Lạc Bộ Golf Nữ Toàn Quốc 2024 (Vietnam Club Championship-VCC…
Kể từ đầu năm tới, trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (Hà Nội) dạy golf…
Sự kiện golf lớn nhất trong năm 2024 của sân golf Tam Đảo đã về…
Với thành tích 8 điểm, CLB ĐH Giao thông vận tải đã lên ngôi quán…