Với tổng điểm +3 sau ba ngày thi đấu (4-6/11) tại VPGTour FLC Halong, cựu tuyển thủ QG Trương Chí Quân đã có bước khởi đầu tốt đẹp ngay trong lần đầu tiên tham dự với tư cách chuyên nghiệp.
Dù lần đầu tiên tham dự với tư cách chuyên nghiệp song sân chơi này vốn không mấy lạ lẫm với Chí Quân. Trở lại Hạ Long sau hơn một năm từ giải FLC Masters, cựu golfer nghiệp dư số 1 Việt Nam thậm chí còn tiến bộ hơn ở nhiều mặt.
Sau vòng mở màn không như ý (+5) để tạm đứng ở vị trí thứ 6, Chí Quân đã có màn bứt tốc đáng kinh ngạc. Vẫn với phong thái chắc chắn, điềm đạm, Chí Quân đã khiến cho người hâm mộ thấy được hình ảnh về một số 1 ngày nào ở đấu trường nghiệp dư nhiều năm qua.
Golfer sinh năm 1998 kết thúc vòng áp chót với 69 gậy (-2) để vươn một mạch lên vị trí đỉnh bảng (+3), đồng thời tràn trề cơ hội đạt danh hiệu chuyên nghiệp đầu tiên trong sự nghiệp. Người đứng kế sau là golfer chủ nhà, Đỗ Hồng Giang (+4), người có vòng thứ hai liên tiếp đều đánh 73 gậy
Đối thủ của Chí Quân trong trận chung kết là hai gương mặt pro quen và lạ nhưng đều có tên là Giang. Bên cạnh golfer chủ nhà Đỗ Hồng Giang là nhà vô địch VPGTour Long Biên 2018 Lê Hữu Giang như thường lệ lầm lì tiến vào vòng cuối.
Đúng như tính chất quyết định của trận chung kết, cả ba nhập cuộc khá thận trọng. Kịch tính được đẩy lên cao sau 9 hố đầu khi Đỗ Hồng Giang cân bằng điểm số với Trương Chí Quân. Nhiều người đã nghĩ đến kịch bản trận play-off giống như ở bảng Nữ giữa Nguyễn Thảo My và Vũ Thị Vân.
Thế nhưng điều đó đã không xảy ra. Bản lĩnh của người đã kinh qua rất nhiều đấu trường trong và ngoài nước đã mang đến một lợi thế nhất định.
Ngay hố số 10, Chí Quân đã có được điểm birdie thứ hai trong ngày, trong khi đó đối thủ trực tiếp, Đỗ Hồng Giang đạt par. Thế trận một chiều đã xuất hiện, Chí Quân vươn lên và ngày càng bỏ xa đối thủ.
Liên tiếp những cú xảy chân ở hố đấu số 11, 12, 13 của Hồng Giang đã khiến anh đánh vượt chuẩn tới 7 gậy, chấm dứt giấc mơ vô địch VPGTour lần đầu tiên của golfer sinh năm 1990 tại chính sân golf quê nhà. Hồng Giang kết thúc vòng đấu cuối với 78 gậy (+7) và cán đích ở vị trí thứ 3 (+11) tại bảng Nam, đứng sau Doãn Văn Định (+9), người hoàn tất vòng đấu cuối với điểm even par.
Không mắc bất cứ sai lầm nào ở 9 hố sau, Chí Quân thậm chí còn có thêm điểm birdie ở hố số 17 đã đưa anh nhẹ nhàng kết thúc vòng chung kết với 71 gậy (even par) để lên ngôi vô địch xứng đáng, kèm khoản thưởng 90 triệu đồng.
Ngoài Trương Chí Quân, Nguyễn Thảo My, Sân golf Hạ Long, chủ nhà của sự kiện chuyên nghiệp thứ 3 trong năm 2020 đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc ‘đầu tiên’ của hệ thống golf nhà nghề Việt Nam.
Trong ngày thi đấu thứ hai của giải (5/11), golfer nữ Phan Thị Hằng đã xuất sắc ghi điểm HIO tại hố số 12, đi vào lịch sử 3 năm tuổi đời của VPGTour – golfer ghi điểm ace đầu tiên của hệ thống thi đấu chuyên nghiệp này.
Đây cũng là điểm HIO đầu tiên đối với cá nhân golfer đến từ CLB Golf Phú Mỹ Hưng này, đồng thời cũng là điểm HIO đầu tiên của golfer gốc Quảng Ninh tại chính quê nhà.
Tại bảng đấu của Nữ, tương tự như Trương Chí Quân, sự xuất hiện của cựu ngôi sao nghiệp dư Nguyễn Thảo My trong lần đầu tiên ra mắt sân chơi chuyên nghiệp đã khiến cho giải đấu được cộng đồng golf quan tâm hơn.
Khác với bảng nam, sự tham gia của không nhiều VĐV nữ đã khiến cho kịch bản của trận chung kết không khó được đoán định từ những vòng đầu.
Trận tranh ngôi Hậu là cuộc đối đầu giữa nhà ĐKVĐ VPGTour Sầm Sơn – Vũ Thị Vân và golfer lần đầu tiên tham dự với tư cách chuyên nghiệp đã diễn ra khá hấp dẫn. Sau 18 hố đấu cả hai đều có chung điểm số +8 và phải bước vào trận play-off để phân định thứ hạng.
Tại hố play-off đầu tiên (hố số 9 par4), Vũ Thị Vân đạt par sau cú gạt hơn 1 mét trong khi Thảo My không làm được điều tương tự. Kết quả Vũ Thị Vân lần thứ 2 liên tiếp lên ngôi vô địch.
Sự kiện cũng đánh dấu sự tiến bộ không ngừng của một số golfer nghiệp dư đồng hành tại VPGTour. Golfer nghiệp dư có thành tích tốt nhất tại VPGTour FLC Sầm Sơn – Nguyễn Minh Tuấn tiếp tục chứng tỏ sự có duyên của mình khi thi đấu trên những sân golf của tập đoàn FLC.
Golfer đến từ Nghệ An lần thứ hai liên tiếp đứng đầu danh sách các golfer nghiệp dư xuất sắc. Đứng kế tiếp Minh Tuấn là hai tài năng trẻ đến từ Hà Nội. Cặp đôi đồng niên 2007, Đoàn Uy và Nguyễn Đức Sơn lần lượt đứng ở vị trí thứ 2 và 3 ở hạng mục này.
Hẹn gặp lại các golfer tại sự kiện tiếp theo – VPGTour Dalat 2020, diễn ra tại sân golf SAM Tuyền Lâm từ ngày 19-22/11 tới đây.
Bin Ben/ NĐĐS
Thời gian qua, Hilltop Valley tiếp tục khẳng định vị thế của mình, là điểm…
Ngày 18/11 vừa qua, tại Lễ ký kết đào tạo và phổ cập golf cho…
Giải Vô Địch Các Câu Lạc Bộ Golf Nữ Toàn Quốc 2024 (Vietnam Club Championship-VCC…
Kể từ đầu năm tới, trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (Hà Nội) dạy golf…
Sự kiện golf lớn nhất trong năm 2024 của sân golf Tam Đảo đã về…
Với thành tích 8 điểm, CLB ĐH Giao thông vận tải đã lên ngôi quán…