Golf sẽ trở thành mục tiêu tế mũi nhọn của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt sau khi Việt Nam liên tiếp nhận được các giải thưởng du lịch quốc tế danh giá tại World Golf Awards.
Ngày 28/12, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức “Chương trình Xúc tiến du lịch golf Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam năm 2022”, nhằm cung cấp thông tin về du lịch golf trong bối cảnh COVID-19 và thảo luận các giải pháp xúc tiến quảng bá du lịch golf. Tham dự có ông Phạm Thành Trí – Phó Chủ tịch thường trực HHDL Golf Việt Nam, ông Adam Calver – Chủ tịch Liên minh sân golf Miền Trung, ông Eric Lygne – Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn Thể thao Sports Marketing Surveys.
“Việc xúc tiến mạnh mẽ du lịch golf tại Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam sẽ mang đến triển vọng về hồi phục du lịch, đặc biệt hướng tới du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế theo góc nhìn của các chuyên gia trong ngành.” – Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết.
Nhận định về tiềm năng của loại hình du lịch Golf khu vực duyên hải miền Trung, ông Bình cho rằng sức hấp dẫn không chỉ ở 7 sân Golf đẳng cấp quốc tế do các Golfer lừng danh thế giới thiết kế, chẳng hạn như Đại sứ Du lịch Golf Việt Nam Greg Norman…, mà còn có thể kết hợp nghỉ dưỡng, hội nghị hội thảo (MICE) để tạo sự đa dạng và mang đến những trải nghiệm phong phú cho du khách.
“Trong 2 năm qua đại dịch COVID 19 đã ảnh hưởng nặng tới kinh tế xã hội trong đó có du lịch, việc tìm giải pháp vượt qua những khó khăn thách thức để từng bước khôi phục và thúc đẩy du lịch phát triển là hết sức cần thiết”, ông Bình bày tỏ và mong muốn sự liên kết chặt chẽ với các địa phương, các doanh nghiệp lữ hành, sân Golf để thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch nhiều tiềm năng này, hướng tới đối tượng khách có khả năng chi trả cao…
Trong bối cảnh “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, du lịch golf nói riêng và các loại hình du lịch chất lượng cao gắn với thể thao – nghỉ dưỡng – chăm sóc sức khỏe đang là xu hướng mới được du khách lựa chọn.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, việc định hình rõ nét hơn về Golf để có nền tảng quảng bá, thúc đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới yếu tố quan trọng, nhất là bối cảnh xu hướng du lịch trên thế giới thay đổi, du khách hướng tới thiên nhiên, du lịch thể thao, du lịch chăm sóc sức khỏe nhiều hơn…, trong đó Golf là loại hình du lịch phù hợp…
“Năm 2017, Đà Nẵng đăng cai Diễn đàn Du lịch Golf châu Á – Thái Bình Dương đã tạo sức lan tỏa rõ rệt. Năm 2020 Đà Nẵng đã lên kế hoạch quảng bá tại thị trường Bắc Âu, Đông Bắc Á… tuy nhiên diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến các hoạt động này phải tạm dừng”, ông Bình cho hay.
Năm 2022, nếu tình hình cho phép, Đà Nẵng sẽ tái khởi động phát động thị trường và đặt kỳ vọng sớm thu hút khách du lịch Golf ở những thị trường xúc tiến.
Theo kế hoạch, Đà Nẵng và các địa phương miền Trung sẽ tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, trong đó, dự kiến, Giải Miss Golf Tourism sẽ diễn ra ngày 26/3; Đăng cai giải thưởng Du lịch thế giới về Golf dự kiến vào tháng 9…Thông qua sự kiện, các doanh nghiệp, sân golf quảng bá để tăng cường thu hút khách từ thị trường nội địa và quốc tế.
“Thời gian qua Golf phát triển mạnh trên thế giới cũng như ở Việt Nam với lượng khách tăng mạnh, nhất là ở hai trọng điểm du lịch Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với khoảng trên 100.000 người. Đối với thị trường quốc tế, Hàn Quốc là thị trường du lịch Golf tiềm năng cực lớn của Du lịch Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng”, ông Bình nói.
Nhận định về tiềm năng của du lịch Golf Việt Nam, ông Eric Lynge, Giám đốc Sports Maketing Surveys Asia cho rằng, Việt Nam được xem là thị trường số 1 về Golf của khu vực châu Á, qua khảo sát nhu cầu của khách du lịch Golf tại 9 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (năm 2021) cho thấy có trên 50% du khách lên kế hoạch chơi Golf tại Việt Nam khi các điều kiện đi lại không còn bị giới hạn.
Một thông tin rất đáng chú ý được Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam (VTGA) Phạm Thành Trí nêu tại tọa đàm, đó là nghiên cứu mới nhất của Hiệp hội cho thấy năm 2017-2018 Việt Nam mới chỉ có khoảng 50.000 người chơi Golf nhưng hiện tại đã vượt trên 100.000 người, bên cạnh đó cũng có khoảng trên 100.000 người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam đánh Golf …, riêng loại hình du lịch Golf thu hút trên 1,5 triệu lượt khách/năm.
“Châu Á dẫn đầu thị trường Golf toàn cầu bởi sức hấp dẫn của sân, của các sản phẩm khác, vừa qua tổ chức World Travel Awards (WTA) đã bình chọn Việt Nam là điểm đến Golf hàng đầu thế giới và châu Á càng khiến sức hấp dẫn càng thêm lan tỏa”, ông Trí nói.
Một tín hiệu vui đối với du lịch Golf là mới đây Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) đã cho phép đào tạo cử nhân thực hành và kỹ thuật viên Golf, điều này sẽ đáp ứng nguồn nhân lực cho các sân Golf vận hành thuận lợi hơn, ông Trí thông tin thêm.
“Đại dịch khiến xu hướng du lịch thay đổi, có thể mở ra cơ hội cho du lịch Golf. Hiện cứ 200 khách quốc tế đến Phú Quốc thì khách chơi Golf vào khoảng 140 người, có thể thấy Golf tại Việt Nam đang tạo sức hút rất mạnh du khách quốc tế”, ông Trí cho hay.
Về khả năng đáp ứng, vị Phó Chủ tịch VTGA cho rằng, ngoài 80 sân golf quy mô 18 hố toàn quốc đang hoạt động, trong quy hoạch các tỉnh đều đặt kế hoạch xây dựng 10 -15 sân golf mỗi tỉnh, đến năm 2025 cả nước sẽ có từ 200 – 250 sân golf đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu của du khách.
Tuy nhiên, những thách thức từ hoạt động du lịch golf cũng đang là trở ngại, chẳng hạn như thuế tiêu thụ đặc biệt 20% khiến giá golf tại Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực khiến năng lực cạnh tranh giảm, các công ty lữ hành chưa quan tâm khai thác đối tượng khách golf… nhân lực phục vụ còn thiếu .
“Chi phí thuê một GM (tổng quản lý) của một sân Golf rơi vào quảng 100 – 250 triệu/ tháng đẩy giá tổng thể tăng lên. Mặt khác, du lịch Golf chưa tạo được sự liên kết kéo khách vào những khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao để kéo dài lịch trình tham quan, lưu trú và “hút” chi tiêu, chưa kết nối được khách bằng công nghệ số…”, ông Trí nói.
Bà Lê Thanh Hòa, Giám đốc điều hành công ty Good Feeling – một đơn vị lữ hành rất thành công trong việc tổ chức du lịch Golf từ thị trường Hàn Quốc sang Việt Nam bằng thuê bao chuyến bay (charter flight) chia sẻ, để thu hút khách Golf, cần gỡ những bất cập gây khó cho doanh nghiệp. “Có địa phương yêu cầu doanh nghiệp tổ chức tour phải ký hợp đồng với bệnh viện (trường hợp khách nhiễm bệnh trong quá trình du lịch), điều này rất khó bởi doanh nghiệp không thể ký khi các điều khoản rất chung chung; rồi có địa phương khi Sở Y tế giới thiệu với doanh nghiệp 6 bệnh viện để trao đổi các vấn đề liên quan trong trường hợp xảy ra sự cố thì có tới 5 bệnh viện từ chối với lý do đối tượng không thuộc “tuyến” của họ…
“Cần đơn giản hóa hơn bởi doanh nghiệp đã cam kết đón khách hộ chiếu vắc xin thì phải tuân thủ nghiêm các quy định, đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu”, bà Hòa bày tỏ.
Từ điểm cầu Canada, ông Adam Calver, Chủ tịch liên minh sân Golf miền Trung chia sẻ, 2 năm qua đại dịch đã làm cho các sân Golf miền trung thất thu khoảng 240.000 vòng (round) Golf, mỗi vòng tương đương 2 đêm lưu trú tại khách sạn 4-5 sao, do đó, cần đặt mục tiêu thu hút khách, nhất là Việt Nam mới đây tiếp tục được WTA vinh danh với rất nhiều giải thưởng…
Chia sẻ ý kiến từ thị trường Golf hàng đầu của Việt Nam, ông Phạm Khắc Tuyên, Bí thư thứ Nhất đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, Việt Nam là điểm đến mong muốn của các golf thủ Hàn Quốc trong thời điểm đang là mùa đông tại nước này.
“Hàn Quốc có tớ 500 sân Golf nhưng hiện tại đều được đặt kín chỗ, do đó Việt Nam là điểm đến rất hấp dẫn đối với thị trường Hàn Quốc, hiện tỷ lệ phủ vắc xin tại nước này đạt trên 80% và sẽ đạt 100% trong thời gian sớm nhất, nên khả năng đi lại sẽ được nới rộng hơn. Công tác quảng bá từ Việt Nam cần hướng vào những người chơi Golf có tiếng tại Hàn Quốc bởi họ có sức ảnh hưởng rất lớn…”, ông Tuyên chia sẻ.
Một vấn đề khác được ông Tuyên lưu ý là khách du lịch Golf Hàn Quốc chấp hành giờ giấc đối với loại hình du lịch Golf rất nghiêm, trong khi đó, Việt Nam dường như rất “thoáng” về điều này, vô hình trung tạo ra sự khác biệt, nên chăng cần xây dựng theo chuẩn mực quốc tế để tăng sức hút hơn nữa…, ông Tuyên nêu ý kiến…
Tiềm năng tăng trưởng của du lịch golf thế giới nói chung và Châu Á nói riêng được ghi nhận qua báo cáo khảo sát được xuất bản vào tháng 9/2021 của Sports Marketing Survey (SMS). Khảo sát được tiến hành đối với 9 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á trong năm 2021 về hành vi đánh golf thời COVID-19 và thu về hơn 10,000 phản hồi.
Đặc biệt, du lịch golf có sức mua gấp từ 6 đến 8 lần so với các loại hình du lịch thuần túy. Khảo sát của Sports Marketing Surveycho thấy mức độ chi tiêu dự kiến của khách golf cao hơn so với trước đây. Khoảng một nửa số người chơi golf ở Phillipines, Singapore và Hàn Quốc cho biết sẽ chi tiêu cho golf nhiều hơn trong vòng một năm tới. Đáng chú ý là sự gia tăng số lượng người mới bắt đầu chơi golf ở hầu hết các thị trường được khảo sát.
Theo ông Eric Lynge, Giám đốc Sports Marketing Survey, kết quả khảo sát cho thấy hơn 50% du khách châu Á đang lên kế hoạch cho kỳ nghỉ golf. Đa số kế hoạch kỳ nghỉ golf là chuyến đi trong nước do những quy định hiện hành hạn chế đi lại giữa các quốc gia, kết quả này cũng dự báo tiềm năng tăng trưởng của du lịch golf trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch thành phố cho biết: “Để xúc tiến du lịch golf và tạo thuận lợi trong việc liên kết với các bên liên quan, chúng tôi đang đề xuất kế hoạch xúc tiến golf định kỳ thường niên từ năm 2022 gồm Giải golf Danang FantastiCity Open vào tháng 4, famtrip và media trip về golf vào tháng 7”.
Đức Long/ NĐĐS
Thời gian qua, Hilltop Valley tiếp tục khẳng định vị thế của mình, là điểm…
Ngày 18/11 vừa qua, tại Lễ ký kết đào tạo và phổ cập golf cho…
Giải Vô Địch Các Câu Lạc Bộ Golf Nữ Toàn Quốc 2024 (Vietnam Club Championship-VCC…
Kể từ đầu năm tới, trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (Hà Nội) dạy golf…
Sự kiện golf lớn nhất trong năm 2024 của sân golf Tam Đảo đã về…
Với thành tích 8 điểm, CLB ĐH Giao thông vận tải đã lên ngôi quán…