Golf là môn thể thao đặc biệt, với sức hấp dẫn mang tính “ma lực” không ngừng tăng, với vai trò ngày càng ‘bành trướng’ và nổi trội.
Ma lực huyền bí của golf được sinh ra từ nhiều nhân tố nội tại đặc biệt. Trong đó, có sự đóng góp của các yếu tố: kiên nhẫn học hỏi, kỳ công đào tạo và hoàn thiện không ngừng để làm nên một tài năng golf.
Với các môn thể thao thông thường, thời gian đào tạo một vận động viên chuyên nghiệp thường cần khoảng 10-15 năm. Nhưng với golf, thời gian còn lâu hơn nữa.
Nếu bắt đầu làm quen với golf, một cậu bé, cô bé có thể từ 4-5 tuổi. Để học một cách thường xuyên và hiệu quả thì từ 9-10 tuổi. Chừng 10 năm, khoảng 19-20 tuổi các vận động viên có thể bắt đầu sự nghiệp chính thức của mình.
Trừ các trường hợp ngoại lệ, thời điểm tỏa sáng tột đỉnh của các vận động viên thể thao thường trong khoảng giữa 20-30 tuổi. Sau 30 tuổi là thoái trào.
Riêng với golf thì sau 30 tuổi mới đạt đến độ chín muồi. Điều này thật gần giống với sự trưởng thành của một doanh nhân hay một chính khách.
Hơn 2500 năm trước đây, Khổng Tử đã tổng kết: “Tam thập nhi lập” về con đường sự nghiệp của một người. Điều này gần giống với một golfer và doanh nhân.
Thời điểm đỉnh cao huy hoàng của các golfer thường nằm trong khoảng 30-40 tuổi. Golfer huyền thoại thế giới Tiger Wood hiện đang ở tuổi 46 vẫn tham gia thi đấu của các giải đỉnh cao của PGA Tour. Độ tỏa sáng đỉnh điểm của các golfer chậm hơn các môn thể thao khác chừng 10 năm.
Bởi vậy chỉ nói riêng về mặt thời gian, đào tạo một golfer chuyên nghiệp phải rất kỳ công dài lâu.
Cần khoảng 20-30 năm đào tạo bài bản liên tục để có thể có được một ngôi sao golf tỏa sáng. Nghĩa là thời gian “thai nghén” một tài năng golf lâu hơn 10 năm so với các môn thể thao khác. Chính sự “chửa voi” đã cho golf những đứa con “ma lực”. Điều này gần giống với sự trưởng thành của một nhà lãnh đạo chuyên nghiệp.
Cũng như năng lực lãnh đạo, với golf, để thành công là sự tập luyện không ngừng. Cũng như với nghề lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp, tập luyện golf có những đòi hỏi khác biệt. Với lãnh đạo, bạn cần phải có tổ chức để dẫn dắt. Với golf, bạn cần có sân tập và sân golf để luyện tập và thi đấu.
Một sân tập thông thường cần khoảng 3 đến 5 ha với một chiều có độ dài tối thiểu 300 m. Một sân golf 18 hố cần một diện tích khoảng 80-100 ha. Như vậy việc tìm đất để xây dựng được sân tập trong nội đô của thành phố đã là điều không dễ dàng. Còn có được một cơ sở đào tạo bao gồm cả sân phát bóng lẫn sân golf trong thành phố thì thật là lý tưởng.
Điều đặc biệt tiếp theo trong “Kỳ công đào tạo” golf chính là yêu cầu tài chính.
Phí học tập ở một học viện golf của Hoa kỳ trong một năm học 9 tháng dao động từ 50.000 đến 75.000 USD. Muốn đi vào con đường chuyên nghiệp đỉnh cao, thông thường một học viên golf phải chi từ 50.000 đến 100.000 USD trong một năm cho tập luyện và thi đấu.
Đây là một rào cản rất khó vượt qua cho tất cả những ai yêu golf nhưng lại sinh ra trong vùng nghèo khổ. Nếu có những tài năng golf thiên bẩm được sinh ra ở những miền đói nghèo, thì sự phát hiện khó mà tiến hành, còn nói chi đến chặng đường đeo đuổi.
Trong golf, không hề có thần đồng hay tài năng bẩm sinh nào mà không gắn với quá trình khổ luyện liên tục. Golfer số 1 Việt Nam hiện nay, Trần Lê Duy Nhất là 1 ví dụ.
Không giống như bạn bè đồng trang lứa, hầu hết thời gian rảnh, Duy Nhất đều dành cho golf. Tháng 6/2001, khi chưa đầy 12 tuổi, Duy Nhất đã làm quen với môn golf và từ đó không ngày nào em lại không đến sân tập.
Học hết lớp 10 ở New Zealand, Duy Nhất chính thức được gia đình chuyển sang học ở Mỹ vì đây được xem là môi trường phát triển bộ môn golf tốt nhất thế giới.
Vừa đến Mỹ 3 tháng, chàng trai tài năng mang quốc tịch Việt Nam đã khiến giới golf nhà nghề Mỹ bất ngờ khi là người Việt đầu tiên vượt qua hàng trăm đối thủ là các golfer chuyên nghiệp ở vòng đấu loại tại sân Red Hawk, California, giành quyền lọt vào giải chuyên nghiệp bang California vào năm 2007.
Cũng trong năm này, Duy Nhất liên tiếp dành được nhiều giải thưởng golf danh giá tại Mỹ: vô địch giải Yorba Linda Junior, Temaku Hills mùa hè, Southern California PGA… Sau khi tiếp tục đoạt huy chương vàng giải vô địch nghiệp dư quốc gia 2008, hạng ba giải Vietnam Amateur Open 2008, vô địch giải League Champion of Big Sky tại Mỹ…
Đầu tháng 12/2008, Duy Nhất chính thức chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp khi vừa tròn 19 tuổi.
Golfer người Nam Phi, Retief Goosen từng nằm trong Top 10 thế giới trong suốt 250 tuần (thời gian từ 2001-2007) là một trong những tấm gương về kỳ công khổ luyện.
Trong thời kỳ thi đấu đỉnh cao, golfer sinh năm 1969 này luyện tập golf hơn 10 tiếng mỗi ngày, không quản nắng mưa gió bão, không chịu rời sân chừng nào chưa tối mịt. Đến nỗi trong một lần mưa giông sấm sét lớn, Retief Goosen đã bị sét đánh đến chết ngất, áo quần cháy sạch, phải vào bệnh viện.
Từ khi tỉnh lại cho đến bây giờ anh vẫn không bao giờ nhớ được rằng đã có sự cố đó xẩy ra với anh. Tất cả là do nghe những người chứng kiến kể lại.
Hiện tại Goosen đang thi đấu tại hệ thống chuyên nghiệp dành cho các golfer trung và cao nhiên. Trước đó, trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của mình Retief Goosen có tổng cộng 37 danh hiệu, bao gồm 2 chiến thắng tại US.Open (2001 và 2004)
Đời sống doanh nhân giống như những đường golf liên tiếp, bắt đầu từ điểm phát bóng, qua hồ nước, vào rừng rậm, xuống bunker, ở nơi green mịn phẳng rồi trong bùn lầy.
Mỗi hố golf như một dự án đầu tư, với sự kỳ vọng là 4 gậy chuẩn nhưng không phải ai cũng đạt tới chuẩn mực ấy. Những doanh nhân lão luyện giống như một tay golf chuyên nghiệp sẽ hạn chế được sự đổ bể còn với những golfer không chuyên thì sự rủi ro luôn rình rập tùy theo bản lĩnh và kỹ thuật của họ.
Những thử thách, những khó khăn và thành tịu tạo nên một chặng đường đan chen phẳng lặng gập gềnh, nắng mưa, tối sáng…
Theo triết lý: “Xây nhà từ móng”, một golfer thành đạt cũng như một doanh nhân, cần phải được trang bị những nền tảng căn bản từ khi còn trẻ.
Nhiều trường đại học ở Việt Nam hiện đã đưa môn golf vào giảng dạy sẽ tạo cơ hội cho nhiều em sinh viên được làm quen với golf. Qua việc phổ cập những kỹ thuật căn bản sẽ chọn ra những em có tài năng và đam mê để tiếp tục theo đuổi môn golf lâu dài.
Điều quan trọng hơn, những triết lý của golf sẽ giúp các em không ngừng trau dồi phẩm chất để hoàn thiện mình trong tương lai.
Tấm gương của Tiger Wood bất chấp khó khăn đói nghèo, bất chấp cách biệt màu da chủng tộc, đã vượt lên để trở thành tay golf vĩ đại nhất mọi thời, sẽ là một xung lực diệu kỳ để nhiều thế hệ sinh viên suy ngẫm và có thêm động lực cho những chặng đường tương lai của mình.
Mỗi sự nghiệp đều khởi đầu bằng một ước mơ. Muốn biến ước mơ thành hiện thực cần phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết và kiên trì theo đuổi nó. Đó chính là triết lý của golf và cũng chính là triết lý của những sự nghiệp thành công.
Phan Thế Hải
Giải Vô địch các CLB Golf 12 Con Giáp mùa giải thứ 6 sẽ mang…
Ngày 15/12/2024, tại sân golf Vinpearl Hải Phòng, Vinpearl Golf và Công ty Cổ phần…
Khi tiết trời se lạnh bắt đầu báo hiệu mùa đông đang đến, Hilltop Valley…
Sau hai ngày tranh tài sôi nổi, giải Vô địch Câu lạc bộ golf Long…
Ngày 6/12/2024, giải đấu Christmas Day TaylorMade Cup 2024 do Baygolf, Đội ngũ Admin cộng…
Giải Vô địch câu lạc bộ golf Long Thành 2024 tổ chức vào hai ngày…