Một sân golf độc đáo nhất nhì Việt Nam, vang danh quốc tế một thời, đã biến mất trên bản đồ golf chỉ sau chưa đầy một năm đổi chủ. Đó chính là sân golf Phan Thiết – Ocean Dunes (tỉnh Bình Thuận)
Sân golf đầu tiên ở duyên hải miền trung này là tác phẩm đầu tiên của golfer số 1 nước Anh, Nick Faldo thiết kế tại Việt Nam, nơi nhiều năm từng là chủ nhà của giải trẻ số 1 Quốc gia-Faldo Series Vietnam.
Sân golf Phan Thiết nằm ngay ngã tư hai con đường đẹp nhất TP này là đại lộ Nguyễn Tất Thành và Tôn Đức Thắng, sát bãi biển Đồi Dương – bãi tắm công cộng lớn nhất Phan Thiết, được xem là “khu đất vàng” với giá đất cao ngất ngưởng.
Tháng 11 năm 2013, sân golf Phan Thiết được Tập đoàn Rạng Đông mua lại từ nhà đầu tư nước ngoài với giá 20 triệu USD.
Với lý lẽ: Không ai để sân golf trong đô thị bao giờ, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Tập đoàn Rạng đông đã giải thích cho việc bức tử sân golf như vậy.
Ông Đông cũng nói thêm: Có lợi thì doanh nghiệp mới làm, một sản phẩm lỗ thì không ai mua làm gì. Thường thì doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm dự án của người Việt nhưng đây là trường hợp ngược lại.
Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư Bình Thuận, mặc dù có sự xáo trộn của các nhà đầu tư nhưng tư cách pháp nhân của sân golf Phan Thiết từ trước đến nay vẫn là của Công ty Regent International (Hong Kong). Công ty cổ phần Tập đoàn Rạng Đông của Nguyễn Văn Đông, sinh năm 1962, tại Mộ Đức, Quãng Ngãi trong một gia đình nghèo khó với 6 anh chị em.
Ông Đông được biết đến là đại gia trong lĩnh vực giao thông và xây dựng, sở hữu nhiều bất động sản lớn ở Bình Thuận và đã mua lại sân Golf từ Regent International vào tháng 11/2013.
Những người dân ở Bình Thuận nhớ lại: Đầu những năm 1990, một vùng đất rộng 62 hecta tại thành phố Phan Thiết được giải tỏa để lấy đất phục vụ công trình thể dục thể thao. Nhiều người dân lúc đó không chịu bỏ mảnh đất gia đình mình đã canh tác từ nhiều đời, nhưng chính quyền địa phương đã vận động họ ra đi với hứa hẹn tại đây sẽ mọc lên một công trình thể thao phục vụ cộng đồng.
Nhiều người còn nhắc lại chuyện chính quyền tỉnh đem lợi ích của việc đầu tư nước ngoài để động viên dân chúng, đại ý rằng: “Nếu ai muốn ăn phở thì hãy ra đi, còn ai tình nguyện ăn rau muống suốt đời thì ở lại”.
Ông Nguyễn Văn Thu – nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ngày ấy Tỉnh còn rất nghèo và sân golf Phan Thiết là công trình đầu tư nước ngoài đầu tiên của Tỉnh. Ông quan niệm: Khi nhiều người chơi golf tới lui thì Bình Thuận sẽ được giới thiệu thêm với nhiều nhà đầu tư, kinh tế tỉnh nhà sẽ có thêm động lực phát triển. Nhiều người dân không đồng ý giải tỏa nhưng nghĩ đất này sẽ xây dựng công trình thể thao, có lợi chung cho Tỉnh nhà nên sau đó chấp nhận.
Cùng với việc mua lại khách sạn Vĩnh Thủy, tỉ phú người Mỹ Larry Hillblom đã thuê mảnh đất này với thời hạn 50 năm để làm dự án sân golf Ocean Dunes Golf Club (còn gọi là sân golf Phan Thiết).
Dự án này được Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch – Đầu tư) cấp giấy phép đầu tư từ năm 1993. Nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm, từ năm 1994 đến tháng 12 năm 2044.
Cùng với vốn tự có, chủ đầu tư còn huy động vốn bằng cách phát hành thẻ hội viên (member). Thẻ hội viên cũng là công cụ để chủ đầu tư “đối ngoại” thường là cấp không thu tiền cho một số cán bộ, chức sắc của Tỉnh để xây dựng mối quan hệ gắn bó lâu dài.
Trước khi có kế hoạch thâu tóm sân Golf Phan Thiết, ông chủ tập đoàn Rạng Đông đã xúc tiến đầu tư vào sân golf Sea Links từ năm 2008 ở phía Bắc Thành phố Phan Thiết. Đây là một khu phức hợp nghỉ dưỡng rộng 168 héc ta được thiết kế đồng bộ và đầu tư khá bài bản. Từ những cồn cát, nơi đây được phủ xanh bởi rừng cây, hồ nước với đại dương quanh năm sóng vỗ.
Ông Nguyễn Văn Đông cho rằng khi chuyển sang sân Sea Links thì phía công ty vẫn đảm bảo điều kiện chơi như tại sân golf Phan Thiết. Còn nếu thành viên không chấp nhận thì công ty sẽ giải quyết theo thỏa thuận hoặc giải quyết tại tòa.
Điều đáng nói là khi mua lại sân golf Phan Thiết vào ngày 15/11/2013, thì chỉ nửa tháng sau vào ngày 2/12/2013, Rạng Đông đã gửi văn bản cho UBND tỉnh Bình Thuận để xin chuyển đổi sân golf Phan Thiết làm khu đô thị đa chức năng Phố Biển Rạng Đông.
Và cũng rất nhanh chóng sau đó, vào ngày 4/3/2014, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp nghe Sở Kế hoạch – Đầu tư báo cáo xem xét, cho ý kiến về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất của sân golf sang đất ở đô thị.
Tại cuộc họp này, 27/27 đại biểu của chính quyền Tỉnh đều thống nhất chủ trương chuyển đổi. Sáng 5/3/2014, UBND tỉnh Bình Thuận chính thức ra kết luận thống nhất chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án Ocean Dunes Golf Club sang đất ở đô thị.
Mặc dù kế hoạch chuyển đổi sân golf thành khu đô thị còn đang chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng các golf thủ chơi tại sân golf Phan Thiết đã được Công ty Rạng Đông thông báo sẽ chuyển sang chơi tại sân golf Sea Links bởi sân golf Phan Thiết được thông báo đóng cửa vào đầu tháng 4 năm 2014.
UBND tỉnh Bình Thuận dựa theo báo cáo của Công ty Rạng Đông đã có lời giải thích như sau: Hoạt động của sân golf Phan Thiết không hiệu quả, luôn bị thua lỗ, không bù đắp nổi chi phí khi đi vào hoạt động gần 20 năm nay. Báo cáo của Cục Thuế trong mười năm, tính từ năm 2004 đến năm 2014 cho thấy tổng lỗ là 115 tỉ đồng.
UBND Tỉnh cho rằng việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết sang đất ở đô thị nhằm tạo điều kiện cho TP Phan Thiết chỉnh trang đô thị xứng tầm với thành phố du lịch trong tương lai và quan trọng nhất là Rạng Đông hứa rằng UBND tỉnh sẽ có thêm nguồn thu cho ngân sách từ việc đô thị hóa sân golf Phan Thiết là 1.000 tỉ đồng.
Giới doanh nhân đánh giá, khoản tiền 20 triệu USD mà Rạng Đông mua lại 62 ha đất sân golf vào năm 2013 tương đương khoảng 400 tỉ đồng. Công ty Rạng Đông đóng góp cho ngân sách 1.000 tỷ đồng nữa, vị chi là 1.400 tỷ đồng.
Sau khi phân lô, đất ở đây được rao bán với giá thị trường từ 30 – 50 triệu đồng/m2; Công ty Rạng đông chỉ cần bán 30.000 m2 đất thương phẩm là có thể thu được 1.500 tỷ đồng, đủ để bù đắp khoản tiền bỏ ra để thâu tóm, phần còn lại sẽ là khoản lãi khủng.
Xung quanh việc xóa sổ sân golf Phan Thiết, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và việc định giá khu đất vàng này vẫn còn rất nhiều tranh cãi và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Dẫu rằng lãi khủng này thuộc về tập đoàn Rạng Đông nhưng về cội nguồn của nó phải kể đến tầm nhìn của Larry Hillblom từ hơn hai chục năm về trước khi ông đã nhìn thấy tiềm năng của khu đất vàng này và quyết định đổ tiền vào đây, dẫu khi đó người Mỹ còn áp đặt lệnh cấm vận với Việt Nam./.
Phan Thế Hải
Tin tức liên quan
- Thể thao và kinh doanh: “Hãy suy nghĩ như một vận động viên”
- Nhìn lại Masters 2024: Mở ra một kỷ nguyên mới của golf thế giới?
- U.S.Kids Golf: ‘Cái nôi của những golfer nổi tiếng’chính thức có mặt ở Việt Nam
- Christmas Day Championship 2023 chung tay hỗ trợ các bệnh nhân khó khăn tại Viện K
- Sân golf không có tội!