Không chỉ là môn thể thao đơn thuần, golf đã làm thay đổi cuộc đời của khá nhiều người sớm tiếp xúc và có tình yêu với golf.
> Vào thế giới của golf (Kỳ2): Cánh tay nối dài của ngành công nghiệp tỷ đô
> Vào thế giới của golf (Kỳ 1): Những ‘con nghiện đói bóng’
Trong những bài viết trước, tôi đã đề cập đến những lợi ích của việc chơi golf. Cũng chính từ những lợi ích do golf mang lại nên chơi golf được coi là sự lựa chọn thông minh. Cùng với việc đồng cảm với quan điểm này, không ít người vẫn cho rằng: ”Golf là môn thể thao của người giàu, người nghèo lương còn không đủ ăn nói gì đến chuyện golf” Nay xin bàn đến chuyện chơi golf của người nghèo và việc ‘xóa đói giảm nghèo’ nhờ golf.
Golf thay đổi số phận
Ở độ tuổi 30, Bùi Văn Tấn đã có thâm niên ngót chục năm chơi golf. Ít ai biết rằng chàng trai này được sinh ra trong một gia đình nghèo ở một làng chài xơ xác thuộc huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Mấy năm trước, Tấn đã quyết định làm luận văn thạc sỹ về “Văn hóa Golf” ở Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Tấn tìm đến tôi để tham vấn thêm. Em giãi bày: “Các thầy hướng dẫn chưa một ai chơi golf, cũng chỉ vì họ coi golf là môn thể thao của người giàu. Cháu gửi đề cương nhờ chú xem giúp rồi chỉnh sửa giúp cháu”.
Trở lại chuyện chơi golf của Tấn, em tâm sự: Hồi đang học đại học, phải bươn chải đủ thứ để kiếm tiền trang trải các khoản chi phí. Rồi một lần vì tò mò mà tìm đến một sân tập golf ở quận Cầu Giấy. Tấn tần ngần ngắm nhìn các golfer vung gậy vụt bóng đầy hào hứng đam mê. Gặp người quản lý sân, biết rằng ở đây đang thiếu một chân cấp bóng, làm việc ngoài giờ hành chính, Tấn xin được ứng tuyển và được nhận vào làm. Vậy là, mỗi buổi chiều, sau khi tan học ở trường, Tấn chạy cấp tập về sân để kịp giờ làm.
Công việc của Tấn ở sân chỉ là bê gậy, cấp bóng cho khách rồi ghi sổ. Tối đến độ 9 giờ, lúc này sân đã vãn khách, Tấn mượn gậy ở kho, xin phép quản lý vụt dăm chục quả, mãi rồi quen tay, rồi yêu golf, nghiện golf lúc nào không biết. Ngoài giờ học, Tấn tranh thủ đọc thêm những tài liệu về golf bằng tiếng Việt và Anh sẵn có trên mạng.
Trải nghiệm trên sân tập, đọc về golf trên mạng, Tấn trở thành một ‘chuyên gia’ về golf lúc nào không biết. Thi thoảng, có những golfer mới nhập môn, lóng ngóng cầm gậy, vụt bóng hoặc lờ mờ về luật golf, Tấn tận tình chỉ bảo khiến nhiều người nể phục. Rồi người ta gọi em là thầy, thành kính, trân trọng.
Sự trân trọng của đám học trò “không có gì” ngoài… điều kiện, rồi người ta nhờ Tấn kèm cặp, một thầy, một trò. Việc học golf bao gồm: Phần thứ nhất là lý thuyết về luật golf, những kỹ thuật căn bản; Phần thứ hai là tập kỹ thuật swing căn bản trên thảm; Phần thứ ba là trải nghiệm những vòng đấu trên sân.
Cứ thế, mỗi tháng thầy theo trò ra sân dăm bảy lần, có mặt ở hầu hết các sân golf các tỉnh phía Bắc để rồi bà con nông hộ vẫn ngỡ ngàng đó là “đại gia” trẻ tuổi mới nổi hoặc con ông cháu cha mới “oách” như vậy.
Nhiều lần tham gia các giải đấu golf của các bộ, ngành tổ chức, tôi có dịp gặp gỡ nhiều golfer trẻ tuổi, trình độ kỹ thuật rất tốt và thường đoạt giải cao. Tìm hiểu kỹ được biết họ làm việc ở các sân golf hoặc tình cờ biết đến golf bằng nhiều con đường khác nhau.
Nhưng về cơ bản họ cũng chỉ là người làm công ăn lương không mấy dư giả nhưng golf đã mang lại cho họ một cuộc sống khác hẳn và hơn thế là trở thành một tay chơi thứ hạng trong môn thể thao sang trọng bậc nhất này.
Khi tôi viết những dòng này thì nhận được tin của Bùi Văn Tấn: “Báo cáo thầy, em đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án thạc sỹ về golf. Các thầy đang động viên em làm tiếp tiến sỹ, em đang cân nhắc thầy ạ!”
Golf và đường đến những trường đại học danh tiếng
Du học đang là ước mơ cháy bỏng của những người trẻ tuổi khát khao tung bay vào bầu trời tri thức. Trong số các nước mà những bạn trẻ tìm đến, Mỹ được coi là sự lựa chọn số một. Trí khôn thế giới đổ về Mỹ; tiền bạc thế giới đổ về Mỹ; nước Mỹ đầy ắp cơ hội…
Nhưng đến Mỹ bằng cách nào? Tiền bạc thôi chưa đủ. Nếu bạn mang cả bao tải tiền đến Mỹ, bạn chỉ là kẻ trọc phú và cực kỳ khó khăn trong việc tìm kiếm sự tôn trọng của họ.
Cùng với tiền bạc, bạn còn phải có tài năng, bạn phải chứng minh được sự ưu tú của mình bằng những thành tích trong học tập, phải giỏi tiếng Anh…
Thế nhưng nhiều bạn trẻ không đủ những điều kiện đó vẫn ung dung được tuyển thẳng vào những trường đại học danh tiếng ở Mỹ bởi kỹ năng chơi golf giỏi. Trường hợp cựu tuyển thủ Quốc gia, Nguyễn Thảo My là một ví dụ.
Thảo My là con gái nhà báo Nguyễn Huy Tiến. Tiến quê Hà Tĩnh, con nhà giáo. Tôi với Tiến đã tiếp cận với golf ngay từ hồi môn này mới du nhập vào Việt Nam (sau Đổi mới). Đều là những nhà báo lên sân đưa tin, rồi tò mò mượn gậy vụt mấy quả rồi từ đó vướng vào “nghiện ngập” cho đến tận bây giờ.
Sinh năm 1998, Thảo My bắt đầu tiếp cận với golf từ năm 12 tuổi. Ban đầu chỉ là theo bố và anh trai lên sân tập ở Mỹ Đình, vậy là dính vào nghiện luôn. Rồi, chính golf đã dạy cho Thảo My những kỹ năng quản lý bản thân, kỹ năng tự lập, kỹ năng đặt ra các mục tiêu và chinh phục nó. Đây cũng chính là sự kỳ diệu của golf.
Nhà ở Võng Thị, ngoài giờ học cô bé này đã miệt mài đạp xe về Mỹ Đình luyện golf hàng ngàyđể rồi cô trở thành tay golf giỏi và đoạt ngôi vị số 1 Việt Nam khi đến tuổi trưởng thành. Nhờ những thành tích nổi bật về golf, Thảo My đã được tuyển thẳng vào trường đại học North Carolina- Mỹ, chuyên ngành tài chính.
Trong suốt 4 năm tại Mỹ, ngoài thành tích học tập đáng nể, Thảo My luôn là tuyển thủ cứng của đội tuyển trường (Seahawks), vốn là một trong những đội tuyển nữ có tiếng tại bảng A thuộc NCAA (Hệ thống thi đấu liên trường đại học Mỹ). Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại Giỏi, Thảo My về nước và chính thức thi đấu chuyên nghiệp vào cuối năm 2020. Hiện cô đã có bằng HLV chuyên nghiệp, tham gia giảng dạy tại Học viện David Leadbetter.
Một số tên tuổi thành danh trong làng golf Việt hiện nay từng xuất thân từ lao động phổ thông tại các sân golf xưa kia: Nguyễn Văn Thống (Giám đốc Golf sân golf Thủ Đức), Nguyễn Thu Lành (Giám đốc sân Tràng An), Nguyễn Hương Quế (Giám đốc sân Đại Lải), Nguyễn Văn Mạnh (sân golf Thanh Lanh), Nguyễn Thị Ngọc Dung (quản lý sân Sông Bé), Nguyễn Thu Hà, Phùng Mạnh Lộc (HLV), một số nhà vô địch QG: Trịnh Văn Thọ, Trần Trọng Thiện, Doãn Văn Định, Nguyễn Văn Bằng, Lê Hữu Giang, Nguyễn Minh Tuấn (HLV)…
Những ai quan tâm đến việc nộp hồ sơ của các trường đại học Mỹ có lẽ đều biết rằng, các trường đại học hàng đầu như Harvard và Yale, có hơn 30.000 đơn đăng ký mỗi năm, với số lượng nhập học khoảng 1.700, và tỷ lệ chấp nhận là 5%. Với ngôi trường mà mọi người trên thế giới đều muốn vào học, các ứng viên phải vượt qua nhiều rào cản về các thành tích nổi bật trong học tập chính khóa và ngoại khóa.
Nhiều bạn trẻ ở các nước mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam đã có thể được tuyển thẳng vào các trường đại học ở Mỹ nhờ thành tích chơi golf.
Mười trường đại học hàng đầu của Mỹ như Harvard, Yale, Princeton và Columbia… không có yêu cầu cao lắm về chơi golf. Nhưng họ hiểu rằng, với những bạn trẻ chơi golf nghiêm túc và đạt được những thành tích tốt trong môn golf sẽ là tiền đề để họ trở thành những quý ông quý bà được xã hội tôn trọng. Với 18 hố chuẩn par 72, cánh cửa trường đại học sẽ mở rộng với bạn.
Các yêu cầu về học thuật và chơi golf rất đơn giản và rõ ràng, sẽ không làm cho mọi người cảm thấy bất lực, bối rối và không biết phải làm việc chăm chỉ ở đâu. So với khoản chi một số tỷ đồng Việt Nam, săn học bổng Mỹ bằng đầu tư chơi golf hiệu quả hơn nhiều.
Golf và điểm gặp nhau của giới tinh hoa
Như đã nói ở trên, nước Mỹ thịnh vượng chỉ vì thu hút được trí khôn của thế giới đổ về. Hơn 100 trường đại học hàng đầu ở Mỹ đang cạnh tranh quyết liệt để thu hút sinh viên ưu tú đến từ khắp nơi trên thế giới. Xem số lượng người được nhập học thông qua chơi golf trong 100 trường đại học hàng đầu ở Hoa Kỳ có thể thấy trong số này, người châu Á chiếm 20%.
Ở Mỹ, những trường danh tiếng coi golf là môn thể thao tinh hoa và khuyến khích sinh viên chơi golf. Một số trường đưa môn golf vào môn thể thao bắt buộc trong môn giáo dục thể chất. Nhiều trường đại học đầu tư sân golf bài bản và chuyên nghiệp. Sân golf của Đại học Stanford là một trong những sân tốt nhất trên thế giới. Sân này chỉ dành cho sinh viên, giáo viên, sinh viên tốt nghiệp và khách mời của họ mới có thể sử dụng.
Thời gian vừa qua cũng chứng kiến sự ra đời của một loạt các học viện mới, bao gồm: Every Golf, DHA Golfzon, GGA, Saigon Golf Academy-SGA, Kanes Golf Academy-KGA,…bên cạnh các học viện lâu đời và chuyên nghiệp hơn như: EPGA, Leadbetter Golf Academy,… Đáng chú ý, trong số đó nổi lên một vài học viện, quảng bá việc đào tạo golf nhanh chóng đến lạ thường như GGA hoặc Kanes Golf Academy (KGA). Nổi bật là phương pháp đào tạo được cho là đột phá nhất từ trước đến nay – ‘Golf Lập trình’ – KGA đang gây nên những sự tranh luận vừa âm thầm vừa bùng nổ trong cộng đồng golf. Với sự thành công bước đầu, lan tỏa toàn quốc về tính hiệu quả – thực dụng – đơn giản – chi phí thấp, hiện tại đang có hàng ngàn học viên toàn quốc đang theo học – chỉnh sửa theo phương pháp này. Ngoài ra, cũng có nhiều đại lý muốn hợp tác để đưa phương pháp này phổ biến hơn nữa trong cộng đồng.
> Kanes Golf nhận được sự quan tâm tích cực của giới truyền thông
> Các Huấn luyện viên, học viên nói gì về Golf Lập trình?
Hệ thống giáo dục Việt Nam hiện tại chưa quen với khái niệm vận động viên học sinh và chưa quen với yêu cầu khắt khe về rèn luyện thể chất nhưng ở các nước phương Tây lại là chuyện khác. Trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, thành tích thể thao của sinh viên không quan trọng, nhưng ở Mỹ, sinh viên phải vừa học giỏi vừa rèn luyện sức khỏe tốt, trong đó golf được coi là môn của giới tinh hoa.
Một ông giáo nói với tôi: “Ông à, tôi có thằng con dạy ở miền núi heo hút mấy năm, ngập chìm trong rượu, giờ muốn về phố mà nó bảo phải lót tay 700 triệu’ Vậy, nếu ai đó muốn xóa đói giảm nghèo, gia nhập giới tinh hoa đều có thể lựa chọn golf, chi phí rẻ hơn nhiều so với con trai của ông giáo nọ.
NB Phan Thế Hải/ NĐĐS
Tin tức liên quan
- Giải Vô địch Golf Quốc gia đã và đang thay đổi tích cực như thế nào?
- VCK MercedesTrophy Việt Nam 2024: Đã xác định các tấm vé đi Đức dự VCK thế giới
- Hanoi Junior Golf Club tri ân các Nhà Tài Trợ, Sân Golf đồng hành
- Từ môn chơi bị cấm&giấc mơ golf của người Trung Quốc đến bài học cho Việt Nam
- Khai thác ‘mỏ vàng’ từ trong những nghịch lý của golf Việt