Bob Parsons: Con đường từ cựu binh Việt Nam đến tỷ phú golf

Từng tham chiến và suýt bỏ mạng tại Việt Nam, Bob Parsons đã xây dựng một đế chế tỷ đô và nay quyết chinh phục một lãnh địa mới – xây dựng một thương hiệu gậy golf cao cấp, một Ferrari trong golf, mang tên PXG.

Tỷ phú công nghệ chuyển sang làm golf

So với những tên tuổi trong ngành chế tạo dụng cụ golf, Parsons Xtreme Golf – PXG là cái tên mới nhất (ra đời vào cuối năm 2014) và đang trên bước đường tìm chỗ đứng của mình trên thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Thế nhưng ông chủ của PXG, Bob Parsons, một doanh nhân-tỷ phú, một người lính từng tham chiến tại Việt Nam lại có thừa kinh nghiệm trong việc PR hình ảnh thương hiệu của mình một cách hiệu quả.

Bob Parsons bước đầu đã thành công sau khi tạo ra một hiệu ứng truyền thông lớn khi bất ngờ công bố bản hợp đồng mà PXG ký với nhà vô địch Masters 2011, Charl Schwartzel đúng 1 ngày trước khi giải The Open 2016 diễn ra.


Bob Parsons từng tham chiến và bị thương nặng trong chiến tranh Việt Nam

Lúc này truyền thông golf đã hướng về Parsons và nhiều người nhận ra rằng, Charl Schwartzel không phải là nhà vô địch major đầu tiên. Trước đó nhà vô địch The Open 2015 Zach Johnson đã về với mái nhà PXG từ đầu năm, cùng với anh là hơn 10 tên tuổi đang thi đấu tại PGA Tour lẫn LPGA Tour.

Một Parsons cá tính tiếp tục gây ồn ào khi tuyên bố với CNN về tương lai của Tiger Woods và Rory McIlroy sau quyết định chấm dứt kinh doanh golf của gã khổng lồ Nike: “Tôi sẽ không chủ động mời họ tham gia với tôi (PXG) mà sẽ đợi để xem họ đến với tôi như thế nào.”

Sự ra đời của hãng gậy PXG đang làm thay đổi những giới hạn tài chính thông thường. Công ty thừa nhận, đối tượng phục vụ của họ là những khách hàng cao cấp. Ví dụ một bộ gậy đầy đủ có giá 5.000USD, trong đó 3.00USD cho mỗi chiếc gậy sắt và 7.00USD cho một chiếc gậy driver. Trong khi đó, một bộ full-set của Titleist đang được bán với giá 1.700USD.


Nhà vô địch The Masters 2011, Charl Schwartzel là đại diện thương hiệu mới nhất của PXG

Còn quá sớm khi nói đến thành công mang tính lịch sử của ngành công nghiệp golf mà Parsons đang quyết tâm theo đuổi. Hiện tại, trong số các đại sứ thương hiệu của PXG hiện nay đã quy tụ 2 nhà vô địch major: Charl Schwazel và Zach Johnson cùng vài gương mặt trong top đầu tại PGA và cả LPGA như Billy Horschel hoặc Brittany Lang (tân vô địch Nữ US.Open 2016)…


Golfer xinh đẹp Beatriz Recari cùng team PXG

Đã có một số ý kiến cho rằng, những nhân tố này cũng chưa nói lên điều gì cả, thậm chí cả đối với những nhà vô địch major. Bởi sau khi họ đạt được thành công, thay đổi bộ gậy sẽ mang lại những thỏa thuận về tài chính còn tốt hơn là đi “vãn cảnh” trên sân hàng năm.

Trường hợp này có vẻ giống với Zach Johnson. Mùa giải năm nay, tay golf 40 tuổi chưa có chiến thắng nào ngoài việc 6 lần trong Top 10 tại 17 sự kiện mà anh đã tham dự. Năm ngoái, khi còn chơi với gậy Titleist, Johnson đã có chiến thắng tại The Open và 11 lần nằm nằm trong Top 10.

Trả lương cao cho người từng lau gậy cho mình

Golfer – tỷ phú Parsons, năm nay 67 tuổi, handicap 9, từng tuyên bố, ông không cần kiếm tiền từ PXG.

“Đó hoàn toàn là một niềm đam mê, ” Parsons nói với tờ The New York Post. “Tôi đang ở thời điểm thành công của cuộc đời, bởi vì các ngành kinh doanh khác của tôi đang khá thành công. Khi tôi bắt đầu khởi nghiệp công ty này (PXG), tôi không thực sự quan tâm đến việc kiếm tiền, tôi cũng chả bao giờ nghĩ về điều này.

Vậy bạn có biết tôi muốn gì không? Đó là những chiếc gậy. Và bạn có biết ai mong muốn chúng hơn tất thảy không? Chính tôi!”

Mục tiêu Parsons với PXG rất đơn giản: thiết kế lên những chiếc gậy golf hoạt động tốt nhất có thể. Ông đã quyết tâm thực hiện điều này trong nhiều năm.

Trong vài năm, Parsons đã tiêu vài trăm nghìn USD vào việc này. Đôi với ông, giấc mơ thiêt kế ra những bộ gậy golf theo ý muốn luôn xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Nhưng ý tưởng của Parson chỉ thực sự được hình thành sau khi ông chia sẻ ý định của mình với Mike Nicolette – chuyên gia phụ trách thiết kế sản phẩm của hãng Ping.

Tên gọi của dòng gậy sắt PXG 0311 gắn liền với kỷ niệm thời đi lính – 0311 là số thẻ bài của Parsons trong thời gian tham chiến tại Việt Nam (những năm 1960)

Một ngày nọ, trong lúc đánh golf tại Whisper Rock, Scottsdale, Parsons gặp gỡ cựu golfer từng thi đấu tại PGA Tour, Mike Nicolette, lúc đó đang làm việc cho hãng Ping. Sau đề nghị của Parsons, Mike Nicolette đã đồng ý về với Parsons để phát triển dòng gậy mới đi kèm lời cam kết từ Parson: PXG sẽ đáp ứng mọi yêu cầu và không giới hạn chế về chi phí.”

Parsons chiêu mộ hai cựu kỹ sư của hãng Ping là Schweigert và Mike Nicolette để thiết kế lên những chiếc gậy sử dụng những chất liệu không thông dụng trong sản xuất gậy golf như vonfram…. “Họ tạo ra những cây gậy trông như kiểu blade (lưỡi kiếm) nhưng chơi như kiểu cavity back (có khoang rỗng phía sau mặt gậy). Những gì chúng tôi muốn thể hiện là những gì có thể được thực hiện nếu bạn nghĩ khác đi”, Parsons nói.

Trải qua nhiều cuộc thử nghiệm mà Parsons thực hiện cùng cộng sự, sản phẩm gậy sắt đầu tiên đã ra lò. Chúng có đặc điểm bề mặt đầu gậy mỏng đến nỗi mà trước đây được coi là không bền vững. Parsons gọi đó là một sự đột phá.


Nhà vô địch The Open 2015, Zach Johnson,

Nhà vô địch The Open 2015 Zach Johnson và Parson từng có nhiều kỷ niệm với nhau. Zach gặp Parsons lần đầu tiên lúc anh mới 10 tuổi tại Cedar Rapids, Iowa, nơi Parsons bắt đầu khởi nghiệp với công ty Parsons Technology.

Lúc đó Zach đang làm việc trong kho chứa gậy golf tại CLB Golf Elmcrest Country Club, nơi Parsons là hội viên. Johnson từng mê mẩn khi lau chùi những chiếc gậy đời mới nhất mà Parsons sở hữu thời đó.

“Tôi chỉ nhớ rằng, cậu ấy (Johnson) luôn tỏ ra hoan hỉ khi được cầm trên tay những chiếc gậy mới nhất của tôi. Cậu ấy rất đáng yêu, cậu ấy yêu thích môn thể thao này và luyện tập rất chăm chỉ. Bạn có thể nói chuyện suốt cả ngày về golf với cậu ấy. Johnson là người có niềm đam mê golf mãnh liệt”, Parsons nhớ lại.

Sau nhiều năm, giờ đây Parksons phải trả tiền cho người từng lau gậy cho mình để dùng những sản phẩm mới nhất của ông.

Parsons là một nhà kinh doanh công nghệ cao, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng rồi trở thành một nhà tỷ phú. Ông chủ một cửa hàng bán xe Harley-Davidson Scottsdale rộng tới 150,000 feet vuông tại Scotdale. Ông có sở thích cưỡi trên những con quái thú đầy cá tính và sở hữu 18 xe motor. Ông còn là một nhà hoạt động từ thiện chăm chỉ với cam kết, quyên tặng từ thiện ít nhất một nửa tài sản của mình.

GoDaddy là một công ty dịch vụ chuyên bán tên miền và lưu trữ web. Năm 2016 Godaddy quản lý trên 61 triệu tên miền – nhà cung cấp tên miền lớn nhất thế giới của tổ chức tên miền thế giới ICANN. Công ty phục vụ hơn 13 triệu khách hàng, nhân sự hơn 4000 người, doanh thu hàng năm tới 1,3 tỷ USD.

Sẵn sàng dấn thân

Sự thành công là một kết quả trực tiếp đến từ sự can đảm của Parsons, nơi ông nhận được sự khó khăn trong cuộc sống và kinh doanh không có gì là bí ẩn.

Năm 1968, lúc đó mới 17 tuổi, Parsons gia nhập lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tham chiến tại chiến trường Việt Nam. Bị thương nặng trong một trận chiến, Parsons sau đó được giải ngũ và trở về nước.

Cuộc chiến sinh tử đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của chàng trai trẻ Parsons. Sau khi trở vê nước, anh hoàn toàn tin tưởng vào bản thân mình và tin rằng, mình có thể làm được mọi thứ.

Ghi danh vào trường đại học Baltimore, Parksons tốt nghiệp hạng ưu, sau đó tự mày mò học về lập trình. Ông đã thất bại và tiêu hết 15,000 USD đầu tư vào Parsons Technology ngay trong năm đầu tiên (năm 1984).

Sau những năm đầu khó khăn, công việc kinh doanh của ông dần đi vào cải thiện và phát triển. 10 năm sau khi thành lập Parsons Technology, Parsons bán công ty cho Intuit, thu về 64 triệu USD và chuyển đến sống tại bang Arizona. Tại đây ông đổ gần hết tài sản vào xây dựng một công ty công nghệ GoDaddy với mục đích giúp bất kỳ ai có thể tự thiết lập website cho riêng mình.

Sau thành công tại GoDaddy, năm 2011 Parsons bắt đầu tập trung vào dụng cụ golf, trung bình mỗi năm ông tiêu tốn khoảng 300 nghìn USD chỉ để thỏa mãn niềm đam mê mới của mình – phát triển gậy golf.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, loại gậy mới có thể có chất lượng cao nhưng không phải một cuộc cách mạng. Số khác cho rằng, PXG đã có sự khởi đầu mạnh mẽ nhưng sẽ cần phải đổi mới sau từng năm hoặc để tránh nguy cơ – Độc nhất một điểm nổi bật (a one-trick pony)

Một Ferrari trong golf?

Giống như cách mà Ferrari không mong muốn thương hiệu của mình trở thành một nhà sản xuất xe chủ đạo. Parsons khẳng định, PXG không muốn trở thành nhà sản xuất gậy thông dụng. Ông hiểu công ty mình đang nằm ở thị trường ngách (niche market) do đó, ông muốn mọi người nhận thức rằng, công ty của ông giống như Ferrari trong Golf.

Bob Parsons là nhà tỷ phú thành công trong lĩnh vực công nghệ, ông chủ của GoDaddy.

Giá bán một bộ gậy PXG hiện là 5.000USD, bao gồm cả dịch vụ fitting. Nếu khách hàng muốn có trải nghiệm đẳng cấp cùng PXG, công ty cung cấp các gói dịch vụ (từ 12,5-80 nghìn USD), bao gồm: chuyến bay thương mại/ cá nhân, đưa đón đến trụ sở hãng ở Scottsdale, 2 đêm nghỉ tại khách sạn, chơi 2 vòng golf tại sân golf của Parson, Scottsdale National, fitting và ăn tối với những đại sứ thương hiệu của hãng.

Thời gian sẽ có câu trả lời liệu những bước đi của PXG có ảnh hưởng như thế nào. Trong lúc này, Parsons chẳng vội vàng gì, ông hi vọng PXG sẽ có lợi nhuận vào năm 2017. Mỗi tuần, ông vẫn đều đặn cưỡi trên con “quái thú” ưa thích chơi vài vòng golf, vẫn thường tham gia ủng hộ các quĩ từ thiện và chuẩn bị tổ chức buổi hòa nhạc gây quĩ cho bệnh viện nhi Phoenix, sự kiện thường niên diễn tại đại lý xe Harley khổng lồ của mình.

Vị tỷ phú có lòng hảo tâm

Bob Parsons không chỉ nổi tiếng về mức độ giàu có và năng lực kinh doanh hơn người mà còn nổi danh là một vị tỷ phú nhân đức, giàu lòng trắc ẩn.


Một sân golf của Parson ở Scottsdale

Ông đã và đang dành rất nhiều thời gian lẫn tiền bạc để giúp đỡ các tổ chức và cá nhân trên khắp thế giới. Năm 2012, Bob và vợ là Renee đã thành lập Tổ chức Bob & Renee Parsons nhằm cung cấp nguồn tài chính thiết yếu cho các tổ chức phi lợi nhuận.

Kể từ đó tới nay, quỹ từ thiện của ông đã trao hơn 130 triệu USD cho hơn 92 tổ chức từ thiện trên khắp thế giới. Đối tượng giúp đỡ chủ yếu của quỹ Bob & Renee Parsons là các cựu chiến binh, những người bị nhiễm HIV, người dân ở các khu vực bị thiên tai như lũ lụt, động đất…

Đặc biệt, vào tháng 12/2013, ông đã chấp nhận lời mời tham gia chương trình hiến tặng tài sản Giving Pledge do Bill Gates và Melinda Gates cùng Warren Buffett sáng lập với cam kết sẽ quyên góp ít nhất một nửa tài sản cho các hoạt động từ thiện. Nhờ sự đóng góp không mệt mỏi của mình, ông được vinh danh tại Mỹ như một trong những tỷ phú có nhiều đóng góp nhất cho cộng đồng và sự phát triển của xã hội.

Trong chuyến sang Việt Nam tham dự Hội nghị golf châu Á Thái Bình Dương 2017, Bob Parsons đã ủng hộ 200.000 USD cho các hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam. Ông cũng cam kết sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho việc thúc đẩy các hoạt động thể thao nói chung và golf nói riêng cũng như các chương trình khác nhằm giúp đỡ trẻ em một cách tích cực và hiệu quả nhất.

Gia Hưng/ Theo NĐ&ĐS

Tin tức liên quan