Diễn ra từ 19-24/4/2022 tại sân Vinpearl Hải Phòng, giải VĐQG-Cúp VinFast 2022 có tổng quỹ thưởng lên tới 1,2 tỷ đồng.
Giải VĐQG lần đầu có Quỹ tiền thưởng
Lần đầu tiên giải mang đầy đủ ý nghĩa của một giải đấu vô địch quốc gia gồm có: bảng nam, nữ, bảng dành cho các golfer chuyên nghiệp và nghiệp dư.
120 VĐV nam và 40 VĐV nữ sẽ so tài qua 4 vòng đấu tại sân Marsh (par72) thuộc CLB hệ sinh thái Vinpearl Golf Hải Phòng.
Nhằm đảm bảo chất lượng chuyên môn cao, Giải VĐQG giới hạn điểm chấp tối đa dành cho golfer nghiệp dư là 6.0 đối với nam và 10.0 đối với nữ.
Để tăng tính cạnh tranh và sự hấp dẫn của giải đấu, lần đầu tiên, giải VĐQG có quỹ tiền thưởng lên tới 1,2 tỷ đồng (1 tỷ đồng dành cho bảng nam và 200 triệu cho bảng nữ).
Trong đó nhà vô địch bảng nam sẽ nhận 200 triệu đồng, vô địch nữ sẽ nhận 60 triệu đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, quỹ tiền thưởng dành cho bảng nữ đang là cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng nhằm thúc đẩy, phát triển golf nữ đỉnh cao ở Việt Nam.
Ra đời từ năm 2005, giải VĐQG gia là sự kiện golf lâu đời nhất Việt Nam, đồng thời là sự kiện đặt nền móng cho sự ra đời của hệ thống thi đấu golf quốc gia của VGA. Qua các năm, giải VĐQG luôn là sự kiện dẫn dắt phong trào và đồng hành cùng sự phát triển của golf Việt.
Giải vô địch golf Quốc gia (Vietnam National Championship-VNC) lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2005. Giải được tổ chức bởi Saigon Times Group và Công ty T&A Việt Nam, diễn ra tại sân golf Dalat Palace (cố golfer Huỳnh Văn Sơn vô địch). Đến năm 2008, giải VĐQG được điều hành bởi VGA, mang tên mới – Giải Vô địch Nghiệp dư QG Mở rộng (VAO). Tại VAO 2014, giải lần đầu tiên có bảng Non – Amateur dành cho các golfer mất tư cách nghiệp dư. Năm 2016, tại giải Vô địch Đối kháng Quốc gia-VMC2016 lần đầu có bảng chuyên nghiệp. Năm 2017, hệ thống giải Golf chuyên nghiệp Việt Nam (VPGA) ra đời và năm 2018, VGA thành lập và điều hành Hệ thống chuyên nghiệp QG (VPG Tour). Đến năm 2021, VGA thống nhất hai hệ thống này, mang tên mới: VGA Tour
> Xem thêm: Golf Việt có còn non trẻ
16 năm qua, giải VĐQG đã có những bước chuyển mình để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng chuyên môn và tổ chức, thích nghi với tình hình phát triển của nền golf Việt Nam: mở rộng cho các VĐV nước ngoài tham dự từ 2008 nhằm tăng tính cạnh tranh; tổ chức bảng đấu dành cho nữ và sau đó phát triển thành giải đấu riêng cho golfer nữ từ năm 2012.
Giải VĐQG được đưa vào VGA Tour
Bắt đầu từ năm 2022, với mong muốn tổ chức giải VĐQG trọn vẹn như chính tên gọi của giải đấu – là đấu trường thi đấu đỉnh cao nhằm tôn vinh và nuôi dưỡng tài năng golf Việt, VGA quyết định đưa giải VĐQG vào Hệ thống giải golf chuyên nghiệp Việt Nam (VGA Tour)
Do đó, giải VĐQG trở thành giải golf chuyên nghiệp duy nhất trong năm dành riêng cho các golfer có quốc tịch Việt Nam, không phân biệt chuyên nghiệp hay nghiệp dư, để tìm ra VĐV người Việt xuất sắc nhất.
Tiếp tục sứ mệnh đặt nền móng cho tương lai bền vững của golf Việt, giải đấu cam kết hỗ trợ 100% chi phí tham dự cho các tài năng trẻ nghiệp dư dưới 18 tuổi.
Đặc biệt, tổ chức ngay trước thềm SEA Games 31, đúng tinh thần là bệ phóng cho giấc mơ ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ thế giới, giải VĐQG-Cúp VinFast sẽ là đấu trường cọ xát cho các thành viên đội tuyển quốc gia Việt Nam trước khi tranh tài tại đấu trường khu vực.
PP/ NĐĐS
Tin tức liên quan
- Gần 1000 học sinh và thầy cô giáo ‘flashmob’ golf swing
- Giải Vô địch các CLB golf Nữ QG 2024: Mong chờ màn tranh tài đỉnh cao
- Golfer Vương Hùng, Thanh Thúy vô địch Tam Dao Golf Club Open Championship 2024
- Tổng thưởng 10 tỷ đồng tại giải Christmas Day TaylorMade Cup Championship 2024
- Khai màn giải vô địch trung niên châu Á-TBD 2024: Đội Úc dẫn đầu BXH