Hà Nội vừa cùng 11 tỉnh, thành phố ký kết hợp tác triển khai hành lang an toàn du lịch giữa các địa phương, tập trung phục hồi khách nội địa, hướng tới mở cửa thị trường quốc tế.
Hoạt động trên cùng việc xây dựng chương trình, sản phẩm du lịch cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế” của Chính phủ.
Đây cũng là một trong những nỗ lực của thành phố nhằm vực dậy du lịch Thủ đô sau đại dịch COVID-19, xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”, “Hà Nội đến để yêu!”
Nhiều giải pháp kích cầu du lịch nội địa
Hai năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung, đặc biệt du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch bị đình trệ, nhiều đơn vị ngừng hoạt động, các khách sạn phải đóng cửa, dẫn tới doanh thu du lịch bị giảm sút, gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.
Trước bối cảnh đó, thành phố Hà Nội đã chủ động ban hành và triển khai kế hoạch kích cầu du lịch nội địa, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch Thủ đô. Trong đó, hoạt động kích cầu những sản phẩm du lịch liên kết giữa Hà Nội và các địa phương nhận được sự ủng hộ từ du khách Thủ đô và các tỉnh, thành phố khác.
Sở Du lịch Hà Nội đã hỗ trợ các tổ chức doanh nghiệp du lịch Hà Nội tổ chức khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch mới liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước; Chỉ đạo và hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến xây dựng các tour du lịch, sản phẩm du lịch mới độc đáo; Chỉ đạo CLB lữ hành UNESCO Hà Nội, Hội lữ hành Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh: Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Ninh Bình, Quảng Ninh… tổ chức chương trình khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch liên kết tổ chức chương trình city tour đón các đoàn Famtrip nội địa khảo sát, xây dựng sản phẩm liên kết kích cầu du lịch.
Từ đó, rất nhiều sản phẩm du lịch mới, độc đáo đã ra mắt và ngay lập tức được nhiều du khách yêu thích như: Tour Giải mã Hoàng thành Thăng Long, tour du lịch đêm tại Di tích Hỏa Lò, tour tham quan kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội, chuỗi sản phẩm mới “Khám phá thử thách giác quan” tại Bảo tàng Dân tộc học…
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2021 chỉ đạt khoảng 4 triệu lượt, bằng 53% so với năm 2020, bằng 13,82% lượng khách năm 2019. Tổng thu du lịch năm 2021 chỉ đạt 11.280 tỷ đồng, bằng 40% tổng thu từ khách du lịch năm 2020, bằng 10,86% tổng thu từ khách du lịch năm 2019.
Để vực dậy ngành Du lịch, giai đoạn năm 2022-2023, Hà Nội sẽ tập trung vào thị trường khách du lịch nội địa và phục hồi thị trường khách quốc tế. Thành phố xác định tập trung các thị trường gần, trọng điểm như Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, từng bước thu hút khách tại các thị trường Bắc Mỹ, EU và các thị trường mới như Châu Úc, Ấn Độ.
Thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm như: Đảm bảo an toàn tại các điểm đến và cho khách du lịch; Xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn; Tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lĩnh vực du lịch; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực…
Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang cho biết: Sở sẽ lựa chọn những sản phẩm đặc trưng để giới thiệu cho các doanh nghiệp du lịch đưa vào chương trình liên kết hợp tác; Xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch nội địa qua việc kết nối với vận chuyển hàng không; Phát triển sản phẩm liên kết vùng, phát triển thị trường khách du lịch Mice, du lịch cuối tuần, phát triển sản phẩm du lịch đô thị, chăm sóc sức khỏe…
Về quảng bá, xúc tiến du lịch, Sở sẽ chủ động mời các địa phương cùng tham gia các sự kiện tại Hà Nội; Phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức các đoàn famtrip, presstrip, đoàn làm phim, nhiếp ảnh, YouTuber; Phối hợp triển khai ứng dụng du lịch thông minh trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, marketing điện tử song phương, đa phương các địa phương trong cả nước…
Năm 2022, ngành Du lịch Thủ đô dự kiến sẽ tổ chức Lễ hội Du lịch – Văn hóa ẩm thực Hà Nội, Lễ hội Quà tặng du lịch, Festival Áo dài Hà Nội…
Tất cả những nỗ lực đó nhằm xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”, “Hà Nội đến để yêu!”.
Phấn đấu đón 9 – 10 triệu lượt khách
Trong năm 2022, lộ trình phục hồi du lịch Thủ đô sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ quý I – II/2022, tập trung đón khách du lịch nội địa gắn với các mô hình du lịch an toàn, chuẩn bị các điều kiện đón khách quốc tế. Giai đoạn 2, từ quý III/2022, dự kiến khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố, không giới hạn loại hình quy mô và triển khai đón khách quốc tế.
Hà Nội cũng phấn đấu đón được 9 – 10 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa đạt từ 7,8 – 8 triệu lượt khách, khách quốc tế từ 1,2 – 2 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch trên 27.000 tỷ đồng; Năm 2023 phấn đấu đón được 12 – 14 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa đạt từ 9,5 – 11,5 triệu lượt khách, khách quốc tế đạt 2,5 – 3,5 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 42.000 tỷ đồng.
Thành phố cũng đề ra các giải pháp trọng tâm; Đảm bảo an toàn tại các điểm đến cho khách du lịch; Xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn; Tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch…
Trong giai đoạn phục hồi, du lịch an toàn là một trong những yếu tố được đặt lên hàng đầu, ngành Du lịch sẽ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đảm bảo hài hòa giữa việc phòng, chống dịch với việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc di chuyển, sử dụng các dịch vụ của khách du lịch giữa các doanh nghiệp và giữa các địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, việc chung tay xây dựng hành lang du lịch an toàn là sự mở đầu cho kết nối phục hồi du lịch nội địa các địa phương trong cả nước.
Hà Nội và các địa phương trong hành lang du lịch an toàn cần tăng cường việc kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch với những tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, khu điểm du lịch… để tiếp tục phát triển, làm mới các sản phẩm; Khai thác giá trị các di sản, danh thắng phục vụ du lịch, đào tạo và phục hồi sớm nguồn nhân lực;
Cùng với việc phục hồi du lịch nội địa là hướng đến dần mở cửa du lịch quốc tế đối với Hà Nội và các địa phương trong thời gian sắp tới.
Theo Sở Thông tin-Truyền thông Hà Nội
Tin tức liên quan
- Săn Bình Minh, Hoàng Hôn Đẹp tựa Mơ tại HillTop Valley Golf Club
- Thông tin giải đấu “Stone Valley-Four Home Christmas Tournament 2024”
- Sân golf Hilltop Valley – Điểm đến lý tưởng của các du khách quốc tế
- Gần 1000 học sinh và thầy cô giáo ‘flashmob’ golf swing
- Giải Golf Di sản-Ninh Bình 2024: Tâm điểm mới hứa hẹn bùng nổ du lịch golf