Đó là một trong những vấn đề nổi bật tại Diễn đàn Lữ hành toàn quốc 2021, tổ chức hôm 12/1 tại Hải Phòng. Sự kiện do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức.
Tham dự diễn đàn có ông Nguyễn Văn Hùng – Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục Du lịch, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành.
Bên cạnh đó, sự kiện còn có ông Phạm Thành Trí – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam và các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chi hội Lữ hành thuộc Hiệp hội Du lịch các tỉnh/thành phố, các đối tác của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, GĐ Sở Du lịch TP Hải Phòng, lãnh đạo huyện Cát Hải và nhiều cơ quan thông tấn, báo chí cả nước.
Diễn đàn “Lữ hành Việt Nam 2021 – Giải pháp khôi phục và phát triển” được tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp khả thi, thiết thực khôi phục hoạt động lữ hành, tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi của các dịch vụ du lịch, đưa Du lịch Việt Nam nhanh chóng trở lại vị trí của ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam; góp phần chuyển đổi Du lịch Việt Nam trở thành một ngành kinh tế số, đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp lữ hành chuyển đổi kế hoạch kinh doanh năm 2021 theo phương châm “vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục và phát triển”.
Diễn đàn gồm hai phiên thảo luận: “Lữ hành Việt Nam – Giải pháp 2021 và Lữ hành Việt Nam hướng đến tương lai”.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Thế Bình đã đưa ra thống kê: “Với sự tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 2016 – 2019 Du lịch Việt Nam khẳng định được vị thế của mình trong nền kinh tế quốc dân, đã từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Du lịch Việt Nam đã trở thành một hiện tượng của Du lịch thế giới với tốc độ tăng trưởng cao và hàng chục danh hiệu cao quý.
Tuy nhiên sự xuất hiện của Đại dịch Covid-19 với sự tàn phá chưa từng có đã đẩy lùi ngành Du lịch trở lại hàng chục năm. Thiệt hại của Covid-19 sau mộ năm chưa thể tính hết được. Du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, 90% khách outbound, doanh thu giảm gần 60% so với 2019″.
Ông Bình cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế, các doanh nghiệp Du lịch Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp lữ hành đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để khôi phục ngành.
Ngay khi dịch vừa được khống chế, cuối tháng 2/2020 Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động chương trình kích cầu du lịch, các đoàn khảo sát của hàng trăm doanh nghiệp lữ hành đã lên đường đưa khách đi du lịch ở các điểm an toàn. Sự chủ động của các doanh nghiệp lữ hành luôn tạo cho xã hội cảm nhận về sức sống mãnh liệt của ngành Du lịch.
“Covid-19 không chỉ tàn phá nền kinh tế mà Covid-19 còn thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh du lịch. Sự ưu việt của thương mại điện tử, của nền kinh tế chia sẻ vốn chưa thực sự đi vào cuộc sống thì nay đã trở thành yếu tố bắt buộc đối với nhiều ngành kinh tế.
Các quy định về giãn cách xã hội, tránh tiếp xúc trực tiếp,… đã làm cho dịch vụ onlines trở thành một phương thức được ứng dụng rộng rãi nhất. Các công nghệ hiện đại như điện toán đám mây và internet vạn vật, thực tế ảo, Block chain, Trí tuệ nhân tạo khi ứng dụng vào các ngành đã làm thay đổi cơ bản hoạt động của ngành đó.
Là ngành nhạy cảm với xã hội, Du lịch phải triển khai nhanh các công tác chuyển đổi số, ứng dụng nhanh các công nghệ hiện đại vào kinh doanh. Nhưng ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động du lịch cụ thể như thế nào là việc cần được trao đổi”, ông Bình nói.
Tổ chức Diễn đàn lữ hành toàn quốc lần này, người đứng đầu Hiệp hội Lữ hành Việt Nam bày tỏ mong muốn được nghe ý kiến từ các nhà Lãnh đạo ngành, các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành về các nội dung nêu trên để ngành Du lịch khắc phục nhanh hậu quả của dịch Covid-19, triển khai khôi phục và phát triển Du lịch trong bối cảnh vẫn thực hiện phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho xã hội nhưng sẵn sàng triển khai nhanh nhất các kế hoạch khi điều kiện cho phép.
Kích cầu du lịch không đồng nghĩa với việc giảm giá thật sâu
Tại diễn đàn, ông Phùng Quang Thắng – GĐ Hanoitourist đã trình bày các biện pháp đổi mới phương thức quản lý lữ hành trong tình hình mới. Cụ thể, ông Thắng đã chỉ ra những xu thế du lịch như: Du lịch bền vững sẽ là động lực; Các cộng đồng nhỏ sẽ đóng một vai trò lớn hơn; Tìm đến chất lượng hơn là số lượng; Du lịch đường bộ sẽ tăng nhanh: tư vấn du lịch trở nên cần thiết và Du lịch gần nhà.
Trên cơ sở đó, ông Thắng cho rằng doanh nghiệp lữ hành quan tâm một số vấn đề như phát triển du lịch bền vững; Tăng cường vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong phát triển du lịch cộng đồng; Chuyển đổi số trong lữ hành; Thị trường, sản phẩm du lịch và xúc tiến.
Còn ông Nguyễn Công Hoan – TGĐ Flamingo Redtours đã có bài phát biểu về sự tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả của chương trình kích cầu du lịch. Thêm một lần nữa, ông Hoan nhắc lại một vấn đề đã được đưa ra từ lần kích cầu du lịch lần thứ 2 là: không thể kích cầu du lịch chỉ dựa trên cơ sở giảm giá bởi “không còn dư địa” để giảm nữa.
Theo ông Hoan, để nâng cao hiệu quả của chương trình kích cầu thì cần có toạt động kích cầu cần bảo đảm thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn thay vì chỉ diễn ra trong một giai đoạn nhất định. Thứ hai là đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu ngoài yếu tố giảm giá. Và thứ ba là cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên…
Cũng chia sẻ về kích cầu du lịch trong bài phát biểu về việc nâng tầm du lịch nội địa, đưa du lịch nội địa thành bộ phận chủ lục của du lịch Việt Nam, ông Lại Minh Duy – TGĐ Công ty Du lịch TST cũng khẳng định: “Chúng tôi không nghĩ rằng chúng ta giảm giá thật sâu kèm theo giảm chất lượng sản phẩm mà nên bổ sung thêm những dịch vụ gia tăng (mà trong giai đoạn khi chưa có Covid-19 chúng ta chưa làm được) để thu hút khách”.
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu còn bàn luận đến hoạt động lữ hành quốc tế trong giai đoạn tới. Cụ thể, với bài phát biểu của mình, ông Võ Anh Tài – Phó TGĐ Saigon Tourist cho rằng để cùng với du lịch nội địa, hoạt động du lịch quốc tế sẵn sàng “bật dậy” như 1 chiếc lò xo nén lại lâu ngày, tận dụng mọi cơ hội “biến nguy thành cơ”, hồi phục hiệu quả nhất, trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Tài, an toàn trong dịch bệnh là lợi thế khác biệt nhất của Việt Nam và du lịch Việt Nam hiện nay và sau đại dịch. “Toàn ngành du lịch Việt Nam tập trung cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép: Ưu tiên phòng chống dịch đến khi Việt Nam tuyên bố là quốc gia kiểm soát dịch tốt, không có ca nhiễm cộng đồng, không còn dịch bệnh để dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp, khuyến cáo hạn chế, cấm du lịch quốc tế đối với Việt Nam. Từ đó, tạo nên cơ hội để phục hồi toàn bộ ngành du lịch VN”, ông Tài nói.
Vị lãnh đạo của Saigon Tourist cũng cho rằng cần tăng cường công tác nghiên cứu, theo dõi, dự báo: mỗi thị trường du lịch quốc tế sẽ hồi phục khác nhau tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Đồng thời cũng cần nghiên cứu, sửa đổi các điều kiện để hủy đặt chỗ tour du lịch quốc tế và trong nước.
Thứ tư, theo ông Tài là giảm áp lực tranh chấp tài chính, duy trì nhu cầu du lịch giữa khách hàng và doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch. Đồng thời cần cây dựng cơ chế phối hợp liên quốc gia trong khu vực và quốc tế trong lĩnh vực du lịch, ngoại giao, giao thông quốc tế (đường hàng không, đường biển, đường bộ…).
Ông Tài cho rằng việc có các chính sách linh hoạt, kích hoạt nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, có tính đến tác động đến ngành du lịch là cần thiết để hỗ trợ phục hồi du lịch trong một môi trường và “điều kiện bình thường mới”…
Cũng tại diễn đàn, vấn đề nhân lực du lịch cũng như du lịch thể thao – động lực mới của du lịch Việt Nam cũng đã được đề cập đến.
Doanh nghiệp lữ hành phải tái cấu trúc lại chính mình
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Doanh nghiệp lữ hành phải tái cấu trúc lại chính mình”.
Theo ông Hùng, doanh nghiệp lữ hành cần phải thật hiểu thị trường một cách căn cơ, hiểu khách hàng, hành xử và xây dựng văn hoá doanh nghiệp lữ hành. Nếu không hiểu khách hàng và tiếp cận theo hướng cũ (đã quen với thị trường có hàng ngàn khách đăng ký để bán vé trong khi các khách hàng đã thay đổi) thì sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cũng cho rằng doanh nghiệp lữ hành cần phải xác định rõ hướng vào lĩnh vực nào để tái cấu trúc. Dù nói đến hướng đến du lịch nội địa nhưng cũng cần phải tính toán.
Trong những năm vừa qua ngành Du lịch có sự tăng trưởng đột phá. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt (năm 2015) lên 18 triệu lượt (năm 2019). Tốc độ tăng trưởng bình quân 22,7% mỗi năm, được xếp vào những nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 33 tỷ USD.
Thứ ba, theo ông Hùng, doanh nghiệp lữ hành cần chú ý tới sản phẩm du lịch. Bài toán liên kết tạo ra sản phẩm một lần nữa được đặt ra và cần thay vào đó là một tư duy mới: không đặt nặng về số lượng mà phải đặt nặng về chất lượng. Ngoài ra, theo ông Hùng, doanh nghiệp lữ hành cũng cần phải chú trọng cộng tác đào tạo nguồn nhận lực.
“Đến lúc này không thể chần chừ việc số hoá. Chính số hoá sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận theo nhóm tốt, tiết kiệm chi phí..”, ông Hùng khẳng định.
Theo Vietnam Traveller
Tin tức liên quan
- Sân golf Hilltop Valley – Điểm đến lý tưởng của các du khách quốc tế
- Gần 1000 học sinh và thầy cô giáo ‘flashmob’ golf swing
- Giải Golf Di sản-Ninh Bình 2024: Tâm điểm mới hứa hẹn bùng nổ du lịch golf
- Hấp dẫn cuối năm tại Hilltop Valley-Đánh golf mỗi ngày, nhận ngay ưu đãi
- Tinh hoa ẩm thực núi rừng và hương vị Á, Âu: Bí mật của Hilltop Valley