So với các môn thể thao khác, golf khá kén người chơi. Dù vậy, trong những năm gần đây, phong trào golf, đặc biệt là golf trẻ đang có sự phát triển mạnh, trở thành thỏi nam châm thu hút sự đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp.
Điểm sáng golf trẻ
Tại Việt Nam, số lượng golfer chuyên nghiệp có thể sống với đam mê của mình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trường hợp của Trần Lê Duy Nhất thi đấu ở Asian Tour được xem là “của hiếm”.
Đầu tư nhiều thời gian, tiền của, kỹ thuật khó và vô vàn những yếu tố khác chính là rào cản phát triển của môn thể thao được ví là “quý tộc” này.
Tuy nhiên, việc khó tiếp cận với golf đã là câu chuyện của quá khứ. Phong trào tập luyện, thi đấu golf ở Việt Nam hiện nay đang ngày một nhân rộng, mang tới những tín hiệu rất vui cho ngành công nghiệp golf còn non trẻ.
Trong xu hướng phát triển chung của golf Việt Nam, golf trẻ đã tạo ra nhiều điểm nhấn. Golf Việt Nam đang có một thể hệ các VĐV trẻ đầy tiềm năng, nhiều người có đủ điều kiện lên chuyên nghiệp chỉ trong một vài năm tới.
Ngày 6/4 vừa qua, đội tuyển golf Việt Nam tham dự SEA Games 31 chính thức được “trình làng”, với 5 VĐV nam là Lê Khánh Hưng, Nguyễn Anh Minh, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đặng Minh, Nguyễn Quang Trí và 4 VĐV nữ là Đoàn Xuân Khuê Minh, Lê Chúc An, Lê Thị Thanh Thúy, Phạm Thị Yến Vi.
Đây là đội tuyển golf có độ tuổi trẻ nhất lịch sử, khi 7/9 thành viên dưới 18 tuổi (hai thành viên 13 tuổi và một thành viên 14 tuổi).
Dù trẻ nhưng những gương mặt này đều đã có nhiều kinh nghiệm, chinh chiến ở nhiều giải đấu nghiệp dư và chuyên nghiệp trong nước như Nguyễn Anh Minh (nhà vô địch trẻ nhất lên ngôi ở giải chuyên nghiệp Lexus Challenge 2022 khi mới 15 tuổi); Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đặng Minh lần lượt vô địch quốc gia năm 2019 và 2020; Đoàn Xuân Khuê Minh là nữ golfer trẻ nhất vô địch Quốc gia khi mới 14 tuổi.
Ngay cả “em út” Chúc An (2008) đã thể hiện sự tự tin và bản lĩnh trên sân đấu. Chỉ mới bén duyên với golf được vài năm, golfer nhí này gặt hái được nhiều thành tích với bộ sưu tập gần 30 chiếc Cúp ở nhiều giải đấu. Gần nhất, Chúc An đã giành ngôi nhất bảng nữ giải golf trẻ quốc gia 2020, vô địch giải golf kỷ niệm 10 năm Queen Club…
Sức bật từ xã hội hóa
HLV trưởng đội tuyển golf Việt Nam Nguyễn Thái Dương chia sẻ: “Các thành viên của đội tuyển hiện nay được đầu tư tập luyện tốt hơn, kỹ năng và thành tích được cải thiện và phát triển hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu so với golf các nước phát triển trong khu vực như Thái Lan, Philippines, thì khoảng cách vẫn còn khá xa và chúng ta còn phải nỗ lực một chặng đường dài”.
Thừa nhận của ông Nguyễn Thái Dương phản ánh đúng thực tế của golf trẻ Việt Nam hiện nay. Dù các golfer như Anh Minh, Bảo Long, Đặng Minh, Khuê Minh… ghi dấu ấn ở các giải đấu trong nước, nhưng trình độ còn nhiều hạn chế khi thi đấu ở khu vực và châu lục.
Cần phải nhắc lại rằng trong 6 lần tham dự SEA Games, thành tích tốt nhất từ trước tới nay thuộc về nữ VĐV Nguyễn Thảo My đạt hạng 11, ở bảng nữ SEA Games 28 (năm 2015) tại Singapore.
Golf trẻ Việt Nam có nhiều điểm sáng và rất tiềm năng, nhưng để vươn tầm khu vực lại cần sự đầu tư mang tính cách mạng, đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội, mà dẫn đầu phải là các doanh nghiệp. Nói cách khác, công tác xã hội hóa ở golf sẽ mang tính quyết định tới tương lai của golf Việt Nam, trong đó có golf trẻ.
Ngay tại giải Hà Nội mở rộng 2022 sắp diễn ra (15-16/4), golf trẻ đặc biệt được BTC giải đấu, các nhà tài trợ quan tâm. Tất cả các golfer dưới 18 tuổi đều được miễn phí tham dự giải. Sứ mệnh của giải đấu là tiếp nối giá trị truyền thống và đặt nền móng cho tương lai bền vững của golf Việt.
Ông Nguyễn Hoàng Nam – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tân Sáng, nhà tài trợ vàng của giải đấu, nhấn mạnh: “Tại giải golf Ha Noi Open, chúng tôi dành sự quan tâm đặc biệt đối với Golf trẻ Hà Nội nói riêng và Golf trẻ Việt Nam nói chung.
Chúng tôi mong rằng, trong tương lai gần, bằng sự huấn luyện chuyên nghiệp đi kèm với tính cọ xát cao trong các giải đấu, chúng ta sẽ có những lứa golfer trẻ chuyên nghiệp có đủ sức cạnh tranh trên đấu trường quốc tế như SEA Games hay Olympic”.
Cũng theo ông Hoàng Nam, Tân Sáng không chỉ đồng hành, mà còn theo sát từng cú swing, cú putt của các VĐV trẻ, đồng thời kỳ vọng qua giải đấu Ha Noi Open, các golfer trẻ sẽ tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm khi thi đấu.
Tân Sáng có gần 20 năm kinh nghiệm trên thị trường Bất động sản đô thị và công nghiệp. Bên cạnh mục tiêu kinh doanh, thì sự chung tay với các hoạt động thể thao, đặc biệt là golf là điều mà công ty này luôn hướng tới.
Đó là lý do mà Tân Sáng quyết định trở thành nhà tài trợ của giải Hà Nội Open, qua đó đóng góp một phần công sức để xây dựng nên phong trào golf Hà Nội.
Sự tiên phong của Tân Sáng và nhiều doanh nghiệp trong công tuyển chọn, đào tạo và phát triển golf trẻ Việt Nam đang tạo nên sức bật cho phong trào golf nước nhà.
Từ sự đầu tư này, người hâm mộ hy vọng ngay trong kỳ SEA Games 31 tới, những Anh Minh, Chúc An, Đặng Minh… sẽ chinh phục thành công tấm huy chương lịch sử cho đội tuyển golf Việt Nam, và trong tương lai gần sẽ trở thành những golfer chuyên nghiệp đẳng cấp.
Hồng Nhung/ NĐĐS
Tin tức liên quan
- Kỷ lục: VGA chính thức công bố 28 giải đấu trong năm 2025
- Gần 1000 học sinh và thầy cô giáo ‘flashmob’ golf swing
- Trường tiểu học công lập đầu tiên tại Việt Nam đưa golf vào giảng dạy
- CLB Golf Đại học Giao Thông vô địch Swing for Education-Venicii Cup 2024
- Vô địch kép Nomura Cup, tuyển golf Việt Nam làm nên lịch sử ở giải châu Á