Golf, golfer, chân dài và đại gia

“Định không nói gì, nhưng mấy ngày nay drama – anh em nương tựa – làm dậy sóng ngành golf tinh tuý và nhiều golfer chân chính nên phải lên tiếng” – Nhà báo-golfer Lâm Hoài.

Người chơi golf là ai?

Người chơi golf thì 80% là đại gia (quan chức, doanh nghiệp to); 10% còn lại là trung lưu (chơi vì đam mê, muốn giao lưu hoặc tăng quan hệ); 5% là những người trong nghề golf (đào tạo, thương mại, các nghành liên quan đến golf); 5% còn lại là chơi cho biết, cho oách, làm hình ảnh…

Chơi golf tốn kém không?

Câu trả lời là không phải tốn kém mà là… cực tốn kém.

Các chi phí đến từ mua sắm gậy (30 triệu-tiền tỷ); chi phí học thầy (15-cả trăm triệu); quần áo, giầy, phụ kiện (vài chục đến tiền trăm triệu); ăn uống, đi lại (xe, máy bay), lưu trú khách sạn… Nếu chơi nhiều và đi lại nhiều, có thể lên tới cả trăm triệu; phí vào sân, tip caddy, dịch vụ trong sân đi kèm dao động từ 2-5 triệu/ trận. Có không ít golfer chơi tầm 150-200 trận/ năm, tính ra tốn khoảng 300-500tr).

Đó là chưa kể, nếu chơi độ to có thể thua tiền tỷ/năm. Như vậy để tiếp cận và duy trì golf thường xuyên ít nhất cũng phải chi cho nó vài trăm triệu cho đến nhiều tỷ đồng/năm.

Phụ nữ lên sân là để chăn đại gia?

99,9% là sai. Như đã nói ở trên chi phí để tiếp cận và duy trì golf rất tốn kém, bởi vậy phải có tiền, rất nhiều tiền mới chơi golf thường xuyên được.

Phụ nữ lên sân golf rất nhiều người là doanh nhân (chơi vì đam mê và giao lưu, mở rộng quan hệ đối tác, làm ăn); ít hơn là những người nổi tiếng (ca sỹ, diễn viên, người mẫu, MC); số còn lại hầu hết là vợ, người yêu, bạn gái của quan chức, doanh nhân… Họ dư giả về tiền và thời gian.

Một vài người mẫu thời trang hoặc mẫu cho đồ golf lên sân chụp những trang phục sexy thi thoảng chúng ta bắt gặp trên mạng có thể dẫn tới suy diễn nhầm lẫn này.

Nếu cho rằng chân dài lên sân chăn đại gia thì đúng là mù tịt về golf. Nhưng ngược lại, nhiều đại gia cặp với chân dài, sau đó đầu tư cho bạn gái đi chơi golf là có, thậm chí là không ít.

Đại gia lên sân tìm chân dài?

Sai bét. Trên sân làm gì có chân dài mà tìm.

Về nguyên lý 1 trận đấu golf, mỗi nhóm có từ 3-5 người, lúc thi đấu thì các nhóm cách nhau tối thiểu 200m trở lên. Nhóm trước đánh bóng rồi rời xa vị trí cũ nhóm sau mới bắt đầu đánh quả bóng của mình. Hai nhóm không thể gặp nhau hay giao lưu gì sất.

Quan trọng hơn, khi chơi golf, người chơi chỉ quan tâm duy nhất bạn chơi và quả bóng. Từ sáng đến tối, từ lúc phát bóng đến hoàn thành hố golf cuối cùng golfer chỉ chìm đắm trong không khí của trận đấu. Hết leo núi, lội bờ, rúc bụi tìm bóng, cãi lộn với bạn chơi, loanh quanh với mọi hỉ- nộ-ái-ố trong trận đấu và với bạn chơi, đếch có ai quan tâm tới bất cứ việc nào khác. Bởi vậy người ta ví von golf là ma tuý xanh là vậy.

Quan hệ golfer và caddy.

Hầu hết các sân golf đều ở xa (trừ sân Long Biên và Tân Sơn Nhất là trong nội thành Hà Nội, TPHCM, nhưng caddy nam. Còn lại là các huyện ngoại thành. Các tỉnh thì có Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Yên Bái, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá…).

Do đặc thù thiết kế, sân golf thường xây dựng ở địa hình đồi núi, rừng, biển xa xôi, cảnh quan tự nhiên. Caddy hầu hết được huy động từ lao động địa phương vốn có, 99% caddy là các bạn nông dân chính hiệu… Bởi vậy caddy không đủ sức hấp dẫn với golfer. Ngoài ra như đã đề cập ở trên, golfer ra sân hầu hết chỉ quan tâm tới cú đánh, trận đấu và bạn chơi, khó có điều khác có thể chen vào tâm trí của họ được.

Tuy nhiên không phủ nhận, ở một vài sân đúng là có phát sinh các mối quan hệ giữa golfer và caddy. Đó là mối quan hệ của các caddy làm part time và các golfer “mất nết”. Có thể có các mối quan hệ tình-tiền sau mỗi trận golf. Nhưng xin khẳng định là mối quan hệ kiểu này chiếm tỷ lệ rất hiếm và số lượng cực kỳ ít ỏi. Và nếu so với ngoài cuộc sống đời thường thì chỉ là hạt cát giữa sa mạc thôi.

Tại sao lại nghiện Golf?

Cái này xin phép không phân tích vì viết cả quyển sách nói cũng chả hết. Ai chưa biết, hoặc ai đó mới tập toẹ đến golf rồi phán là nó nhạt, nó chán tôi nhường hết. Muốn biết tại sao nó gây nghiện thì thử đi là biết. Mà thôi, theo tôi đừng thử, nghiện golf khổ lắm.

NB Lâm Hoài

Tin tức liên quan