Vào thế giới của golf (Kỳ 5): Ngôn ngữ giao tiếp trong kinh doanh hiện đại

Golf Việt gắn liền với lịch sử hội nhập của nền kinh tế nước nhà. Ở đâu có kinh doanh, ở đó thường có golf và ở đâu có golf, ở đó phải có kinh doanh. Đây là lý do tại sao ai đó muốn giao tiếp với giới làm ăn cần biết chơi golf.

Golf – một ngôn ngữ giao tiếp trong kinh doanh

Golf hiện đại là một trong những ngôn ngữ giao tiếp của xã hội doanh nhân. Giáo sư Su Jiancheng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khủng hoảng là một golfer kỳ cựu, đội phó nam của CLB Golf Doanh nhân Trung Quốc, mô tả tầm quan trọng của golf đối với các doanh nhân bằng những ví dụ sinh động. Ông viết:

Một góc sân Old Course – St.Andrews, chiếc ‘nôi’ của golf

“Tôi chơi golf từ khi còn trẻ, tính đến nay đã hơn 30 năm. Golf luôn là một hoạt động rất quan trọng trong giao lưu quốc tế, đặc biệt là các hoạt động thương mại, vì vậy rất nhiều người trong giới kinh doanh chơi golf. Tôi đã đi du lịch khắp nơi trên thế giới từ khi còn trẻ và nhận thấy rằng, một hoạt động có thể tăng tốc độ giao tiếp là chơi golf.

Một hôm, chúng tôi vào một nhà hàng của sân golf để dùng bữa, ngay khi tôi bước vào phòng tắm, một người đàn ông nhìn thấy tôi mặc trang phục chơi golf và hỏi rằng, có phải tôi đã từng dự giải Vô địch Anh Mở rộng (The Open) không? Sau đó, chúng tôi nói chuyện tới năm phút trong phòng tắm. Nếu có thời gian để tiếp tục, tôi tin rằng có thể hôm nay chúng tôi sẽ chơi golf cùng nhau. Mối quan hệ giữa kinh doanh và golf là rất chặt chẽ.

Ở đâu có kinh doanh, ở đó thường có golf và ở đâu có golf, ở đó phải có kinh doanh. Đây là lý do tại sao tôi muốn chơi golf.

Lần này tôi đến thăm Scotland cùng với CLB Golf Doanh nhân Trung Quốc. Tôi thích một số sân trong hành trình như sân golf St. Andrews, Castle, Kings Class, Jubilee, Loch Lomond,… mỗi sân đều có những đặc điểm riêng. Tất nhiên, khi đến Scotland, điều quan trọng nhất là phải chơi ở St.Andrews, vì đây là nơi khai sinh ra môn golf. Trong số đó, sân Old course (thuộc CLB St.Andrews) là sân nổi tiếng nhất, là nơi chơi golf đầu tiên trên thế giới. Tôi đã đến đây 18 năm trước và rất ấn tượng.

Phil Mickelson (trái) và Henrik Stenson

Trong chuyến đi này (năm 2016), chúng tôi còn được xem trận chung kết The Open (giải major lâu đời nhất thế giới), đặc biệt là cuộc đọ sức giữa hai golfer lừng danh Henrik Stenson và Phil Mickelson tại vòng đấu cuối trên sân Royal Troon. Tại giải đấu này Stenson lên ngôi đã đi vào lịch sử hệ thống giải major – nhà vô địch có điểm số tốt nhất, 264 gậy (-20), vượt qua thành tích mà Tiger Woods đã ngự trị suốt từ năm 2000 (-19 gậy)

Cũng trong chuyến đi này, chúng tôi cũng đã đến thăm một số công ty hàng đầu tại Vương quốc Anh, chơi golf với các doanh nhân Anh, giao lưu với họ trong bữa tiệc tối, bao gồm cả các cuộc gặp gỡ trực tiếp. Các hoạt động kinh doanh này đều có những đặc điểm riêng.

Ngoài việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh, chúng tôi cũng đã được hưởng lợi rất nhiều điều chia sẻ từ họ, những bí quyết trong và ngoài sân golf. Điều này đã mang cảm hứng cho chúng tôi trong công việc quản lý và cuộc sống sau này.

Henrik Stenson xô đổ kỷ lục điểm số của riêng đấu trường thượng hạng – major

Điều làm tôi xúc động hơn là mọi tổ chức đến thăm đều coi trọng đoàn chúng tôi. Đây có thể là giá trị thương hiệu của CLB Golf doanh nhân Trung Quốc. Tôi mong rằng đoàn sẽ tổ chức nhiều hoạt động thành công hơn nữa trong tương lai”.

Lợi thế và thách thức cạnh tranh của golf Việt

Với vị trí địa lý độc đáo, nằm trên bờ biển dài 3.260km với những bãi biển nổi tiếng thế giới; vịnh và đồi núi hùng vĩ cùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được coi là nơi lý tưởng đáp ứng được các tiêu chí khắt khe về điểm đến golf “hút khách” trên thế giới.

Trong số 209 quốc gia trên thế giới có sân golf, Việt Nam được đánh giá là thị trường phát triển nhanh nhất về cả số lượng lẫn chất lượng. Cả nước hiện có 78 sân golf đã đi vào hoạt động, 43 sân khác đang trong các giai đoạn hoàn thiện khác nhau. Về số lượng người chơi, có trên 50.000 golfer hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, trong đó hầu hết là doanh nhân, chủ doanh nghiệp và lãnh đạo của nhiều đơn vị lớn.

Số lượng 50.000 người chơi golf trên tổng số gần 100 triệu dân của Việt Nam, đây chưa thực sự là một con số lớn nhưng so với con số 15.000 golfer vào năm 2015, chúng ta có thể thấy được bộ môn golf vẫn đang có một sức hút đáng kể ở thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, thành phần những người chơi golf đã nói lên phần nào hạn chế của bộ môn vốn dĩ được xem là ‘quý tộc’ này. Hầu hết những người chơi là doanh nhân, chủ doanh nghiệp, lãnh đạo… đã cho thấy rằng, bộ môn golf vẫn còn khá đắt đỏ so với mặt bằng thu nhập của người dân Việt Nam.

Đây chính là một trong những rào cản khiến cho số lượng golf thủ chưa thể phát triển một cách bùng nổ trong khi số lượng sân golf của chúng ta không hề thua kém bất kỳ quốc gia nào.

Định hướng của chúng ta là tạo nhiều điều kiện để các golfer trẻ có sân chơi, có cơ hội thi đấu, các golfer nhí được đào tạo nhiều hơn, chuyên nghiệp và bài bản hơn bởi đây chính là bộ mặt cũng như nguồn lực phát triển bộ môn golf trong tương lai không xa. Đồng thời, các golfer có tuổi cũng có nơi rèn luyện sức khỏe, vui thú lúc tuổi già.

Trong vài năm trở lại đây, các CLB golf được hình thành nhiều hơn trên khắp cả nước. Các CLB sẽ góp phần nâng cao chất lượng, dịch vụ golf trong nước. Rồi từ đó, đưa golf Việt Nam vươn ra tầm quốc tế thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ, trao đổi giữa các sân golf trong khu vực.

Đồng thời, CLB cũng sẽ đóng góp ý kiến trong việc xây dựng phong cách và văn hóa chơi golf với các tiêu chí thân thiện, lịch sự, bình đẳng, trung thực, nghiêm túc.

Xét về mặt tổng quát, golf vẫn đang không ngừng phát triển tại Việt Nam, vậy thực trạng kinh doanh golf ở Việt Nam hiện nay ra sao? Những khó khăn, thách thức gì đang chờ đợi ngành kinh doanh golf ở Việt Nam?

Nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh của ngành du lịch Việt Nam, ngành kinh doanh golf hiện đang ở giai đoạn đầu phát triển. Tuy vậy, đây là một môn thể thao đang được ưa chuộng và ngày càng có sức hút tại Việt Nam.

Sân golf là một trong những hạng mục công trình quan trọng để các khu nghỉ dưỡng lớn thu hút thêm nhiều khách du lịch, góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh gần 80 sân golf đã đi vào hoạt động trên khắp cả nước, trong những năm gần đây, đã có khá nhiều sân golf quy mô lớn tiếp tục được khai thác nhưng việc đặt được chỗ chơi golf ở nhiều sân golf đẹp và được quản lý tốt trên khắp cả nước đôi khi vẫn gặp khó khăn.

Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, rất nhiều nhà đầu tư trong nước cũng nhảy vào cuộc đua xây dựng và kinh doanh sân golf. Bước đầu họ cũng đã gặt hái được một số kết quả, số lượt người chơi golf ngày càng tăng.

Các tour du lịch golf đến Việt Nam cũng như từ Việt Nam ra nước ngoài đang ngày càng phát triển hơn với giá cả thích hợp túi tiền của nhiều đối tượng từ trung lưu cho đến thượng lưu. Theo thống kê, khách nước ngoài du lịch golf ở Việt Nam thường đến từ các nước như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản… với số lượng ổn định hàng năm.

Bộ môn golf đang ngày càng có một vị trí quan trọng trong tương lai của đất nước, không chỉ đơn thuần là thể thao, giải trí mà còn là phát triển nền kinh tế. Chính vì vậy rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng golf thủ Việt Nam trong nước cũng như cộng đồng golfer Việt sinh sống, làm việc tại nước ngoài.

Hy vọng rằng golf Việt sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, khẳng định vị thế, tầm vóc và chỗ đứng trên toàn thế giới trong tương lai không xa.

Phan Thế Hải

Tin tức liên quan