Việt Nam sẽ sớm trở thành ‘thiên đường golf châu Á’

Nhiều năm liền liên tục nhận các giải thưởng golf trong khu vực và thế giới, golf Việt Nam đang khẳng định hướng đi đúng của mình.

Ông Phạm Thành Trí-phải, trưởng BTC hệ thống thi đấu chuyên nghiệp Việt Nam – VPG Tour

Theo ông Phạm Thành Trí, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam – VGA, việc mở cửa cho đầu tư sân golf là một chủ trương đúng, ngoài ra hiện nay, tự môn golf cũng đang phát triển và thu hút người chơi. Hai yếu tố này cộng hưởng với nhau, ông nhận định trong vòng 10 – 20 năm nữa, Việt Nam sẽ là một thiên đường golf của châu Á.

Là golfer có gần 15 năm kinh nghiệm, đồng thời đảm nhiệm vai trò Phó Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam đã hơn 10 năm, ông Phạm Thành Trí cho rằng, ngành golf Việt Nam hiện nay đang phát triển rất nhanh.

Cụ thể, số lượng người chơi golf ở Việt Nam mỗi năm tăng gấp đôi. Từ những năm 2005, số lượng người chơi golf trên cả nước chỉ khoảng 2.000 – 3.000 người, nhưng con số này đến nay đã khoảng 20.000 – 30.000 người chơi, chưa kể số lượng người chơi là khách du lịch hoặc người nước ngoài.

Số lượng các sân golf và sân tập golf cũng gia tăng nhanh chóng. Tổng số hiện đã có khoảng hơn 50 sân đang hoạt động. Trong tương lai, đến năm 2020 có thể sẽ có hơn 100 sân golf trên cả nước, và năm 2025 có thể có thêm khoảng 50 sân nữa, tổng là 150, có thể lên tới 200 sân golf.

“Sau 20 năm nữa, ngành công nghiệp golf của Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua Thái Lan và có thể đạt được bằng một nửa hoặc gần bằng Hàn Quốc. Với dân số khoảng 100 triệu dân như Việt Nam mà lượng người chơi golf nếu có thể đạt được khoảng 10 triệu người chơi như tennis hiện nay thì golf sẽ rất phát triển”, ông Phạm Thành Trí phân tích.

Theo ông Trí, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia,… chúng ta có thể ít hơn họ về số lượng, tuy nhiên về chất lượng, các sân golf của Việt Nam không kém gì các sân của Thái Lan thậm chí còn có phần hơn. Có những sân golf đẹp như sân Hồ Tràm The Bluffs còn được xếp hạng thứ 35/100 sân golf đẹp nhất thế giới hay chính những người Thái Lan còn phải trầm trồ trước sân golf của Tập đoàn FLC ở Quy Nhơn.

Bàn về câu chuyện đóng góp của các sân golf cho nền kinh tế, ông Trí đưa ra một phép tính trung bình. “Hiện nay có 50 sân golf đang hoạt động. Mỗi sân golf đạt mức trung bình 50.000 lượt người chơi mỗi năm. Với chi phí trung bình 1 người chi tiêu cho 1 vòng golf là 1,5 triệu đồng, tức là tổng chi phí của 50.000 lượt chơi là hơn 3.750 tỷ đồng là con số các sân golf đưa vào nền kinh tế mỗi năm. Trong số hơn 3.000 tỷ đồng này có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế thu nhập, thì các sân golf đóng khoảng ⅓ số tiền này cho nhà nước. Chưa kể còn tạo được khoảng 100.000 việc làm”, ông Trí nêu ví dụ.

Theo ông Phạm Thành Trí, nếu Việt Nam muốn ngành công nghiệp golf phát triển thực sự thì phải đi theo xu hướng chung toàn cầu, đưa ngành golf vào trường học, coi golf là một môn thể thao như bóng đá, bơi lội, cầu lông, bóng bàn,… để các em học sinh có thể lựa chọn theo học.

Ông Trí cho rằng, Chính phủ hiện nay đã rất quan tâm đến việc tạo điều kiện cho các sân golf phát triển và đề cao thu hút du lịch golf, cơ chế chính sách mở đường cho ngành công nghiệp golf Việt Nam phát triển rất thuận lợi.

Tuy nhiên, hiện nay, chi phí chơi golf ở Việt Nam còn khá cao. Nguyên nhân một phần vì kinh doanh sân golf phải chịu nhiều loại thuế trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt. “Như hiện nay, chi phí một người chơi golf phải chịu là 10% thuế VAT, 20% thuế tiêu thụ đặc biệt, còn chưa kể các loại thuế khác. Tức là một người đánh golf sẽ phải chịu khoảng 40% thuế các loại khi tham gia một trận golf”.

“Theo tôi, với môn golf, Nhà nước nên ‘rút’ thuế tiêu thụ đặc biệt. Nên coi golf là một môn thể thao chứ không phải mặt hàng xa xỉ như rượu bia. Nếu giá đánh golf cao thì các golf thủ trong nước hay các tài năng trẻ họ không có cơ hội luyện tập, chưa kể là khó thu hút được khách du lịch.

Nếu giá đánh golf ở Việt Nam có thể giảm thấp, thì việc đánh golf ở Việt Nam đúng là ‘thiên đường’. Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội thu hút khách hơn đặc biệt là khách du lịch từ những quốc gia có ngành golf phát triển như Hàn Quốc. Và đương nhiên, họ không chỉ đến chơi golf mà còn phải nghỉ lại, ăn uống, mua sắm,… tức là nhiều khía cạnh của nền kinh tế sẽ được kích thích”, ông Phạm Thành Trí đề xuất.

Khu vực miền Trung Việt Nam với những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi,… sẽ có cơ hội trở thành vùng mũi nhọn để phát triển golf ở Việt Nam. Các sân golf được phát triển cũng là cơ hội mở đường cho các địa phương thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo Reatimes.vn

Tin tức liên quan