Vĩnh biệt HLV Huỳnh Văn Đơ –‘Cây đại thụ’ của làng golf Việt

Làng golf Việt tuần này đã chia tay một cây đại thụ gắn liền với thăng trầm của môn chơi đẳng cấp. Chia buồn cùng gia đình và cầu mong ông giáo golf nhẹ nhàng ra đi như những cú swing mà ông truyền cảm hứng cho bao thế hệ tài năng golf Việt.

Huấn Luyện Viên Huỳnh Văn Đơ, Sinh năm 1942 tại Phú Nhuận, Sài Gòn xưa, ông Huỳnh Văn Đơ có thể coi là người nhiều tuổi và chơi golf sớm nhất ở Việt nam – từ cuối những năm 1950. Lớn lên ngay bên cạnh sân golf Gia Định, cả cuộc đời ông như định mệnh, từ nhỏ cho đến tận bây giờ đều gắn bó với môn golf. “Cây Đại Thụ” trong làng Golf Việt Nam.

Cố golfer Huỳnh Văn Sơn, nhà VĐQG đầu tiên, năm 2005. Anh đã qua đời năm 2013 vì bạo bệnh. Ảnh – Phạm Quang Vinh

Mà cũng chẳng có một gia đình nào cả cha lẫn con đều vô địch Giải golf quốc gia như gia đình ông. Năm 1964, ông vô địch golf dưới chế độ cũ.
Người con trai cả của ông – golfer quá cố Huỳnh Văn Sơn sau đó cũng nâng cao Cúp vô địch Quốc gia của nước Việt Nam thống nhất vào các năm 2005 và 2007…

Ông kể, thời điểm 1950, vị trí Công viên Gia Định hiện nay được quy hoạch để làm sân golf, đã trở thành sân golf 18 lỗ duy nhất của Sài Gòn và miền Nam. Sân này do một người Hoa là ông Trương Duy Nhạt làm chủ.

Cố HLV Huỳnh Văn Đơ đang hướng dẫn cho các golfer nhí.
Ảnh – Phú Cường Kiên Giang

Ông khởi nghiệp tại sân golf này khi hơn 10 tuổi với tư cách là “lục-xi”(look-see) Đó là cậu bé mặc quần đùi, 2 tay cầm 2 lá cờ, đứng phía xa chờ người ta đánh bóng xong, chạy ào tới tìm và cắm cờ báo hiệu bên quả bóng để golf thủ đỡ mất công tìm.

Khi đó, vùng đất này còn hoang vu lắm. Trong sân golf, chỉ có fairway là được cắt tỉa, chăm sóc kỹ lưỡng thường xuyên. Xung quanh cỏ cây mọc cao ngang đầu gối, nếu không có lục-xi thì rất dễ mất bóng.

Đến năm 13 tuổi sau 3 năm được trải nghiệm trên sân, biết thêm nhiều kỹ năng mới, ông chuyển qua làm Caddie – là người vác gậy cho người chơi golf.

Cha con cố golfer Huỳnh Văn Sơn và HLV Huỳnh Văn Đơ-
Ảnh –
Phạm Quang Vinh

Hồi đó bao gậy nhỏ, ít gậy hơn bây giờ nhiều. Thu nhập của lục xi được khoảng 1 đồng “gánh gánh” (đồng bạc có người đàn bà quảy gánh), còn caddie được 5 đồng.

Nhờ vậy, ông đã được tiếp xúc với nhiều golfer giỏi, ông được học và dạy thêm nhiều kỹ năng để trở thành golfer thực thụ. Khi bước qua tuổi 18, ông bắt đầu hành trình golfer chuyên nghiệp của mình khi tham gia thi đấu các giải thưởng golf lớn nhỏ trong nước.

Cố golfer Huỳnh Văn Sơn và bố mẹ anh. Ảnh – Phạm Quang Vinh

Lúc ông 23 tuổi, ông giành được giải Vô địch quốc gia năm 1964. Năm 1965, ông cùng đội tuyển sang Singapore đánh giải golf Đông Nam Á. Tiếp theo những năm sau đó, đội tuyển của ông cũng tham gia thi đấu nhiều giải thưởng khác nhau theo giải đấu Nhà nước tổ chức. Đến năm 1994, ông về làm việc, giảng dạy cho một số hội golf tại Việt Nam.

Sau khi về hưu vào năm 2002, ông nhận làm huấn luyện viên cá nhân cho các sân golf tư nhân tại TP.HCM.

Một trong những học trò xuất sắc nhất của ông chính là golfer Trần Lê Duy Nhất, con trai của một trong những golfer đẩu tiên tại Việt Nam – Trần Đình Luật. Ông bắt đầu dạy và rèn luyện cho Duy Nhất từ năm 9 tuổi, đến năm 15 tuổi, Duy Nhất bắt đầu tham gia thi đấu giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.

Trần Lê Duy Nhất

Anh đã để lại ấn tượng sâu sắc làng golf Việt Nam với những màn trình diễn đẹp mắt, hơn rất nhiều những tay golf đồng trang lứa, được đưa thẳng vào ĐTQG dự SEA Games 2005 ở tuổi 16. Tính đến nay, anh là người có dông hiệu vô địch mang tầm cỡ châu lục đầu tiên của làng golf Việt với các giải thưởng: FLC Golf Championship 2016, FLC Vietnam Masters 2019, VPG Tour 2018….

Ông Huỳnh Văn Đơ từng chia sẻ, một trong những đặc điểm làm bộ môn golf đặc biệt hơn những môn thể thao khác chính là mỗi sân đánh địa hình khác nhau hoàn toàn, nên khi bước vào sân mới đòi hỏi người chơi phải luyện tập thử thách mới, không đơn giản chỉ là đánh bóng golf vào lỗ.

Vì thế Golf không chỉ là một môn thể thao đỉnh cao để rèn luyện sức khỏe và sự dẻo dai của cơ thể mà còn đòi hỏi người chơi phải biết kiên nhẫn, xử lý tình huống khéo léo.

Có thể thấy rằng, độ tuổi tỷ lệ thuận với độ đam mê golf của ông, chưa bao giờ ông cảm thấy niềm đam mê bộ môn bị vơi dần đi mà chỉ có tăng thêm.

Với 67 năm trong nghề, ông truyền cho các golfer trẻ tuổi nguồn năng lượng, sự nhiệt huyết cùng lòng ngưỡng mộ sâu sắc. Khi được nghe ông kể chuyện, ông chia sẻ kỹ năng luyện tập, chắc chắn bạn sẽ muốn được luyện tập môn Golf này ngay lập tức.

Làng golf Việt chia tay một cây đại thụ gắn liền với thăng trầm của môn chơi quý tộc. Các mầm non golf Việt chia tay một ông giáo. Người làm báo golf chia tay một chứng nhân “bách khoa toàn thư” của môn golf…Chia buồn cùng gia đình và cầu mong ông giáo golf nhẹ nhàng siêu thoát như những cú swing mà ông truyền cảm hứng cho bao thế hệ tài năng golf Việt

by Phạm Tấn Lời

Tin tức liên quan