Đã có thời, chơi golf ở Nhật là biểu tượng của quyền lực và thịnh vượng. Trải qua thời gian, thị trường golf tại đất nước Mặt trời mọc dần bị thu hẹp. Thế nhưng vẫn chưa quốc gia nào vượt qua Nhật Bản để dẫn dắt ngành công nghiệp golf châu Á.
Thời hoàng kim, nếu muốn “book” sân ở khu vực Tokyo, bạn phải đặt trước vài tháng hoặc để sở hữu một thẻ hội viên, hẳn bạn sẽ phải là một triệu phú đô-la.
Là quốc gia châu Á đầu tiên có hệ thống giải đấu chuyên nghiệp (Japan Golf Tour), đứng thứ 3 thế giới về giá trị giải thưởng (sau PGA Tour và European Tour); số lượng golfer đông đảo; số lượng sân golf và thị trường golf lớn vào hàng thứ nhì thế giới.
Trong nhiều năm qua, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc golf và xứng đáng là đầu tàu của ngành công nghiệp golf châu Á.
Cường quốc golf Nhật Bản
Từ cuối thế kỷ 19 các vương triều Nhật Bản thực hiện cuộc duy tân, hướng về phía Tây. Mục tiêu của cuộc cách mạng là thúc đẩy phát triển thương mại, hiện đại hóa nền kinh tế, do đó môn thể thao golf xuất hiện như là một trong những “biểu tượng” của lối sống phương Tây là điều tất yếu. Đến năm 1901, sân golf đầu tiên mở cửa tại Nhật Bản là Hyogo Prefecture.
Tại một quốc gia phần lớn diện tích là đồi núi, các sân golf ở Nhật Bản rất khó để có thể xây dựng, và môn thể thao này cũng rất khó để lan rộng tới mọi người.
Sau thế chiến thứ hai, ngành công nghiệp golf Nhật Bản đã phục hồi trở lại trong những năm 1950 như một phần của sự tái sinh kinh tế của đất nước. Sự tăng trưởng này ổn định với một sức mạnh siêu kinh tế theo mô hình thương mại của phương Tây và mở rộng ra toàn xã hội. Đến thập niên 1960, golf đã thực sự bùng nổ tại Nhật Bản.
Nếu trước thế chiến thứ 2, Nhật Bản chỉ có 23 sân golf, sau đó cũng chỉ tăng lên một con số khiêm tốn là 72 tính đến năm 1956, và golf vẫn được coi là một môn thể thao được trao đặc quyền.
Cùng với ý niệm luôn tin tưởng vào sự tăng trưởng bền vững, số lượng sân golf ở xứ sở hoa anh đào đã tăng trưởng mạnh mẽ.
Có tới 424 sân golf mọc lên chỉ trong khoảng thời gian từ 1960 đến 1964, trùng với nhiệm kì của cố Thủ tướng Hayato Ikeda. Sự tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong nhiệm kì của Thủ tướng Kakuei Tanaka sau khi ông quyết định đầu tư mạnh tay vào các công trình công cộng như đường cao tốc, do đó đã gián tiếp nâng số lượng sân golf lên đến ngưỡng 1.000 sân.
Sự bùng nổ thứ ba và cũng là lớn nhất được bắt đầu dưới thời thủ tướng Yasuhiro Nakasone vào năm 1985, sau khi ông phát động một chương trình xây dựng lớn sử dụng vốn của khu vực tư nhân để kích thích nền kinh tế.
Cùng thời điểm đó, chính phủ ban hành luật “Resort Law” mới đã quy định giảm thuế và hỗ trợ cho những dự án xây dựng sân golf, khách sạn, sân tennis, khu trượt tuyết, bến du thuyền và các cơ sở giải trí khác. Giấy phép được cấp để chuyển hóa rừng và đất nông nghiệp thành sân golf và những hạng mục tương tự..
Một trong những nguyên nhân khác của sự bùng nổ này được cho là nhờ vào thành tích của golfer hàng đầu, Torakichi Nakamura, người vô địch giải Canada Cup 1957.
Tại giải đấu đó, Torakichi Nakamura đã đánh bại hai huyền thoại đương thời của làng golf thế giới: Sam Snead và Gary Player để giành chiến thắng đầu tiên tại một giải nhà nghề bên ngoài biên giới nước Nhật.
Khi nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng vào những năm 70, 80 và đỉnh điểm vào những năm 90 của thế kỷ trước, lúc này, tổng số người chơi golf lên tới hơn 13,7 triệu người (chiếm hơn 10% dân số)
Đây cũng là lúc số lượng sân golf gia tăng đột biến trên xứ sở Mặt trời mọc: trên 2400 sân golf và 3000 sân tập. Số lượng người chơi mới tăng trung bình 1 triệu người mỗi năm.
Phần lớn trong số những sân golf còn tồn tại đến bây giờ được xây dựng dựa trên tầm nhìn về nhu cầu vào những năm đó.
Thời kỳ hoàng kim
Tờ New Yorks Times trong một bài phóng sự đặc biệt về ngành công nghiệp golf Nhật Bản đã đưa ra những thông tin đầy ngạc nhiên về sự phát triển “điên rồ” có một không hai này.
Vào năm 1987, một golfer đã đồng ý bỏ ra 3,57 triệu USD để sở hữu một thẻ hội viên của CLB riêng tư Kaganei Country Club. Đây là mức giá khá cao, thậm chí đối với giới nhà giàu tại Nhật thời đó, thế nhưng rút cuộc người golfer kia vẫn không đạt được mục đích của mình.
Vào thời điểm những năm 1980-1990, trường hợp này không phải là cá biệt. Mức giá của thẻ hội viên phổ biến ở các CLB khu vực trung tâm dao động từ 1-2 triệu USD.
Golf lúc đó được coi là biểu tượng của địa vị. Một hiện tượng được cho là phổ biến trong giới kinh doanh và những người không phải golfer tại Nhật đó là, chuyên tìm kiếm và thu mua lại những chiếc thẻ hội viên sân golf để bán lại cho những đối tượng có nhu cầu, hưởng chênh lệch khá nhiều.
Hiện tượng đó có tên là “Zai – Tech”. Sự suy thoái của ngành công nghiệp Nhật Bản đã làm giảm các nhu cầu đầu tư vào các nhà máy và thiết bị hay những doanh nghiệp mới, và các doanh nghiệp nơi đây đã chuyển hướng vào đầu cơ những chiếc thẻ hội viên sân golf. Đây là một phần của hiện tượng “Zai-Tech” hay “trò chơi tiền bạc”.
Những cột mốc thời kỳ hoàng kim
(Theo số liệu của The Economist, New York Times)
- Sân golf đầu tiên hoạt động: Năm 1901
- Thời kỳ đỉnh cao: Thập niên 1970-1990
- Thị phần bán lẻ toàn cầu: chiếm 24%
- Số lượng sân golf: Hơn 2,400 sân, chiếm 50% số sân golf tại châu Á
- Số lượng người chơi: 13,5 triệu
- Danh mục đầu tư ưa thích của giới kinh doanh
- Từ 1 – 3,5 triệu USD: giá thẻ hội viên bình quân của 1 CLB riêng tư
- Từ 80.000 – 1 triệu: giá thẻ hội viên ở những CLB ‘đại trà’
Các cụm từ được vay mượn từ tiếng Anh như “công nghệ cao – high-tech” ám chỉ đến việc các doanh nghiệp Nhật Bản đang cố gắng kiếm tiền theo cách hoàn toàn không liên quan đến ngành công nghiệp mà họ đang theo đuổi bằng việc đầu tư, như chứng khoán, bất động sản và thậm chí là thẻ hội viên sân golf. Hầu hết các công ty cỡ vừa đều đầu cơ theo cách này. Các công ty chỉ sử dụng thẻ hội viên của mình để phục vụ và tìm hiểu đối tác kinh doanh.
Tất nhiên, không phải tất cả các công ty tham gia vào việc đầu cơ thẻ hội viên sân golf. Tập đoàn Sony là một ví dụ, họ tránh xa tư tưởng kiếm tiền từ số đông các nhà kinh tế, Akio Morita, chủ tịch tập đoàn Sony tuyên bố: “Chúng tôi phản đối “Zai-tech.”
Trong thời kỳ đỉnh cao này, nhiều CLB golf thường hạn chế số thẻ hội viên chỉ khoảng vài trăm người và họ có quyền từ chối trao quyền sở hữu thẻ thành viên nếu như người nộp đơn không đáp ứng được những yêu cầu nhất định.
Các nhà môi giới thường hưởng mức hoa hồng 2% trên mỗi giao dịch thẻ, được coi là điểm trung gian để xác định xem một người mua tiềm năng có đủ điều kiện hay không. Tiền sẽ giải quyết tất cả. Chỉ sợ là không có thẻ mà bán thôi.
Thống kê cho thấy vào thời điểm đó, Nhật Bản có tới trên 2.400 sân golf, 3000 sân tâp golf, phục vụ 13,7 triệu người chơi golf.
Thị trường bị thu hẹp
Sau giải đoạn đỉnh cao, ngành công nghiệp golf bắt đầu chững lại kể từ thập niên 1990. Suy thoái kinh tế Nhật Bản thời gian qua đã khiến golf chịu ảnh hưởng nặng nề.
Số lượng người chơi golf ở Nhật Bản hiện đã giảm hơn 40% so với thời hoàng kim của nó trong những năm đầu của thập niên 90, mức phí trung bình cho một vòng golf đã giảm 1/3, doanh thu bán hàng trên các sân golf đã giảm đi một nửa.
Hiện tại, Nhật Bản có 2.349 sân golf tiêu chuẩn 18 hố, 500 sân tập
Số lượng golfer đang giảm dần: 8,86 triệu (năm 2002), 6,7 triệu (năm 2015)
Chi phí một vòng golf trung bình từ $138 – $184 (cuối tuần) và $73 – $110 (trong tuần) thuộc khu vực quanh Tokyo.
Theo golfinjapan.com
Tư duy của thế hệ trẻ tại Nhật hiện nay đã thay đổi so với các thế hệ trước. Họ không hề xem golf là biểu tượng của địa vị.
Những dịp cuối tuần, họ thích dành thời gian nghỉ ngơi và vui vầy bên gia đình. Nếu ra ngoài, họ có nhiều hoạt động khác, năng nổ hơn, sôi nổi hơn.
Trong làm ăn, họ cũng thấy không cần thiết phải ra sân golf, mất cả ngày đi lại và thi đấu để bàn công việc với khách hàng.
Masahiro Kuramoto, Chủ tịch Hiệp hội Golf Nhật Bản cho biết: “Tôi có một cảm giác của sự khủng hoảng. Không còn gì nghi ngờ nữa về việc thị trường golf đang thu hẹp lại.”
Hơn 300 sân golf đã bị mua lại bởi các công ty đầu tư nước ngoài (chiếm 10% thị phần) và hơn 200 sân golf được mua lại bởi các Công ty đầu tư trong nước.
Nhiều chuyên gia đầu ngành cho rằng, sẽ có ít nhất 50% trong số các sân golf còn lại tuyên bố phá sản hoặc cơ cấu lại hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ trực tiếp của các công ty quản lý để biến sân golf nơi đây thành những tổ chức phi lợi nhuận.
Trong những năm trước, các công ty như Golfman Sachs (Accordia Golf) và Lone Star (Pacific Golf) đã thành công trong việc mở rộng phát triển liên quan đến việc sở hữu những sân golf.
Họ đã xây dựng những tiêu chuẩn chất lượng, tài chính và hoạt động mới mà nếu những sân golf này được sở hữu bởi những người Nhật Bản thì đã bị bỏ qua rồi.
Khía cạnh đáng khích lệ của tất cả những thương vụ mua lại là đều được những doanh nghiệp Nhật Bản học hỏi và phát triển như Taiiheiyo và Seibu, đã làm theo những mô hình kinh doanh thành công trước đó của Accordia Golf và Pacific Golf.
Tất cả những biến động này đều tạo ra sự ổn định và thành công hơn trong những danh mục đầu tư sân golf của chủ sở hữu. Golf là một trong những vấn đề mà Thủ tướng Shinzo Abe phải đối mặt trong nỗ lực khôi phục nền kinh tế Nhật Bản. Giá thấp, người tiêu dùng thờ ơ, giới hạn phụ nữ và sự lão hóa dân số.
Masahiro Kuramoto, Chủ tịch Hiệp hội Golf Nhật Bản chia sẻ: “Nếu giới trẻ Nhật Bản không biết đến môn thể thao này sớm thì ngày càng nhiều hơn số sân golf sẽ phải đi theo con đường giống như sân Toba Country Club tại quận Mie và sân Suwa Golf Club tại Nagano, chúng đều được chuyển đổi thành các trang trại.”
Giá thấp, chi phí cao, số lượng thành viên ít đã khiến nhiều sân golf phải quyết định đóng cửa. Theo The Economist, đã có hơn 120 sân golf bị đóng cửa kể từ năm 2010.
by Nguyên An
Còn tiếp….
Theo NĐ&ĐS
Tin tức liên quan
- Đón Quốc Khánh 2/9 với CT “Siêu Ưu Đãi” tại sân golf HillTop Valley
- Vòng loại số 1 giải Tan Sơn Nhất Golf Course Championship 2024 về đích
- Khám phá bí ẩn Night golf: HillTop Valley bừng sáng giữa màn đêm
- Thưởng ngoạn du lịch golf Côn Minh-TQ cao cấp cho golfer Việt
- Các VĐV golf đạt huy chương Olympic 2024 nhận thưởng thế nào?