Bí quyết đơn giản giảm căng thẳng và lo âu trong tâm bão covid-19

Kiểm soát lo âu để giảm căng thẳng được coi là “liều thuốc” tốt nhất để chúng ta vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.

Xác định nguyên nhân của sự lo lắng

“Hoang mang trước đại dịch, đây không phải câu chuyện của riêng ai. Có rất nhiều mức độ trong sự lo lắng, chúng kết hợp lại tạo nên tiêu cực” – Malminder Gill, nhà thôi miên học và trị liệu tâm lý chia sẻ.

Bà đã tạo ra một lớp học trực tuyến để giúp đỡ những người mắc chứng lo âu do virus Corona. Bà cho rằng, chỉ khi xác định được căn nguyên, vấn đề của bạn mới được giải quyết.

Biến động khôn lường của đại dịch COV-19 có thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Hoặc bạn đang quá lo lắng cho sức khoẻ của mình và người thân? Hay sự suy thoái của nền kinh tế mới khiến bạn bận tâm quá nhiều?

Hãy xây dựng một danh sách cùng những nỗi lo liên quan đến bạn. Sau đó, bạn nên sắp xếp chúng theo mức độ quan trọng. Bằng cách đưa ra cấu trúc cho cảm xúc, việc giảm căng thẳng sẽ được thực hiện dễ dàng hơn.

Chủ động phòng vệ cho bản thân

Nhiều người trong chúng ta chắc hẳn đang thực hiện làm việc tại nhà. Nếu bạn không có tên trong danh sách này thì điều đó sẽ xảy ra sớm thôi. Cách ly tại nhà hay hạn chế ra đường đều là những việc thiết thực và quan trọng ngay lúc này.

Không tụ tập đông người, không đi du lịch giúp khả năng lây nhiễm giảm. Nguy cơ mắc bệnh sẽ rất thấp hoặc không có nếu bạn hiểu và thực hiện nghiêm túc “khoảng cách xã hội” (social distancing).

Bên cạnh đó, “ăn đủ bữa-ngủ đủ giấc” là điều quan trọng nhất để có được sức khoẻ tốt. Bữa ăn không khoa học hay thiếu chất khiến cơ thể suy nhược. Hơn nữa, thức khuya và mất ngủ cũng gây ra tình trạng lo âu kéo dài. Thế nên, đừng coi nhẹ thói quen sinh hoạt của mình bạn nhé!

Ngoài ra, việc chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc là cần thiết. Hãy đảm bảo rằng bạn mua sản phẩm từ một nơi uy tín. Khi gặp bất kì hiện tượng nào bất thường, hãy thăm khám và trao đổi với bác sĩ mà bạn tin tưởng.

Chọn lọc tin tức, hạn chế mạng xã hội

Sống trong thời kỳ khủng hoảng, có lẽ bạn muốn cập nhật các diễn biến một cách thường xuyên. Tuy nhiên, điều đó không hề giúp bạn vượt qua bệnh dịch dễ dàng hơn.

Với những luồng thông tin không chính xác, tốc độ lan truyền lại càng chóng mặt. Khi tiếp nhận tin tức tiêu cực, bạn sẽ rơi vào sợ hãi và hoảng loạn. Thế nhưng, tự cô lập mình cũng không phải là cách hay.

Hãy chọn lọc nguồn tin từ một vài trang mạng uy tín và giới hạn thời gian truy cập mỗi ngày. Nếu quá “nhớ” mạng xã hội, bạn có thể đọc một quyển sách hoặc xem một bộ phim để giảm căng thẳng.

Tìm hiểu các kỹ thuật bổ trợ giảm căng thẳng

Dành ra vài phút mỗi ngày cho bản thân không phải là điều quá khó. Sức khoẻ và tinh thần của bạn mới là điều quan trọng nhất ngay lúc này. Có rất nhiều cách để duy trì trạng thái cân bằng, thiền là một ví dụ.

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người thực hiện thiền có chất lượng cuộc sống cao hơn. Bên cạnh đó, những người này khi phải đối diện với áp lực sẽ có một tâm thế bình tĩnh hơn.

Nếu bạn chưa bao giờ thử thiền cũng đừng cảm thấy quá lo lắng. Hiện nay có rất nhiều ứng dụng bổ trợ cho bộ môn này. Headspace là một trong những ứng dụng phổ biến. Nó phù hợp cả cho người mới bắt đầu.

Một số kỹ thuật giúp não bộ tìm kiếm những suy nghĩ tiêu cực: . Tìm một nơi yên tĩnh và quan sát xung quanh thật kỹ. Chú ý mùi hương, màu sắc và âm thanh.
. Cố gắng gạt bỏ phiền muộn ra khỏi tâm trí trong giây lát. Chỉ yêu cầu chúng tạm bước sang một bên.
. Tập trung vào cơ thể. Chú ý xem năng lượng tiêu cực của bạn tích tụ ở bộ phận nào nhiều nhất.
. Hít thở với cảm xúc để cảm nhận nó, không được phán xét. Sau đó hãy thở ra cùng với cảm xúc của mình. Lặp lại cho tới khi bạn thấy bình tĩnh hơn. Bạn có thể kết hợp với hóp bụng trong khi hít thở. Việc làm này giúp bạn thoải mái hơn nữa.

Kiểm soát nỗi sợ bằng cách giúp đỡ

Cảm giác bất lực, mất kiểm soát và sợ hãi về sự lây lan của virus Corona là một vấn đề lớn. Điều đó có thể dẫn tới hành vi né tránh và chạy trốn cho bạn.

Tuy nhiên, nếu tình trạng sức khoẻ của bạn tốt và khá ổn định, cũng không nằm trong nhóm dễ lây nhiễm, đừng ngại ngần giúp đỡ những người xung quanh. Tổ chức Y tế thế giới đã xác định, người già là nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.

Đặc biệt là những người có vấn đề về hô hấp, tâm thần và bị khuyết tật. Hãy thành lập một nhóm nhỏ, có thể là bạn bè hay những người trong khu bạn sống. Hãy cùng nhau đến giúp đỡ những người già. Nhóm của bạn có thể hỗ trợ họ đi mua sắm, tâm sự, trò chuyện để giải toả nỗi cô đơn. Những việc làm chủ động sẽ giúp bạn giảm căng thẳng nhiều hơn.

Không được “đầu hàng”

Hạn chế ra ngoài hay làm việc tại nhà cũng khiến bạn rơi vào trạng thái ngột ngạt. Nếu bạn không bị cách ly, hãy đi bộ thường xuyên hoặc chạy vài vòng quanh nhà để cảm thấy thoải mái hơn. Đã có rất nhiều tài liệu chứng minh rằng, tập thể dục là con đường dễ dàng nhất để cải thiện tâm trạng của bạn.

Nếu bạn sống một mình, sự cô đơn do do xa cách xã hội rất có thể trở thành nhân tố gây ra lo âu. Đừng ngại chia sẻ với bạn bè và người thân. Có thể họ quá bận với cuộc sống riêng và không biết bạn đang cảm thấy thế nào. Thế nhưng, chúng ta đang sống trong thời kỳ hoàng kim của công nghệ.

Dù không thể ở cạnh, nhưng bạn và người thân vẫn có thể cùng nhau xem phim, nấu ăn, vẫn có thể tương tác như bình thường.

Kiểm soát nỗi lo bằng những trải nghiệm tích cực sẽ giúp giảm căng thẳng hiệu quả hơn. Điều này không đơn thuần giúp bạn vượt qua “khủng hoảng tâm lý”. Bên cạnh đó, nó còn khiến cơ thể tạo ra các hoóc-môn tốt, giúp bộ não trấn an tinh thần.

Theo ElleMan/ NĐĐS

Tin tức liên quan