Chân dung doanh nhân Bùi Tố Minh, chủ dự án sân golf Đông Triều

Dự án Sân golf Đông Triều có tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng được đầu tư bởi Silk Path, một doanh nghiệp trong hệ sinh thái của doanh nhân Bùi Tố Minh, ông chủ tập đoàn Plaschem.

Dự án sân golf đầu tiên của Plaschem

Hôm 24/10 vừa qua, công ty cổ phần Sân Golf Silk Path đã tổ chức lễ khởi công dự án sân golf Silk Path Đông Triều, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, một dự án có quy mô lớn hàng đầu tại địa phương.

Dự án Sân golf Silk Path Đông Triều có tổng mức đầu tư hơn 1.277 tỷ đồng, được tư vấn, thiết kế bởi Faldo Design, Sir Nick Faldo. Sân golf có tổng diện tích 130 ha, có khả năng phục vụ hơn 800 khách/ngày.

Trong đó, diện tích quy hoạch sân golf rộng 128,72 ha đạt tiêu chuẩn tổ chức các giải đấu quy mô quốc tế. Sân golf sẽ có các công trình lưu trú thấp tầng, khu khách sạn cao tầng, sân tập golf, hạ tầng cây xanh, cảnh quan, khu vui chơi giải trí, không gian nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp theo tiêu chuẩn 5 sao.

Ông Bùi Tố Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sân Golf Silk Path – ông chủ của Plaschem

Tại buổi lễ, ông Bùi Tố Minh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sân Golf Silk Path – cho biết, dự án sân golf Silk Path Đông Triều là công trình chủ lực của thị xã Đông Triều nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Dự án được kỳ vọng sẽ thay đổi bộ mặt địa phương khi mở ra những cơ hội việc làm cho người dân, khơi dậy những lợi thế sẵn có, đồng thời mang tới cơ hội phát triển du lịch và tăng trưởng kinh tế cho địa phương.

So với cái tên Công ty Cổ phần Sân Golf Silk Path vốn vẫn còn khá mới trên thị trường, thì cái tên Bùi Tố Minh được xem là một doanh nhân khá nổi bật trong giới kinh doanh, dù ông khá kín tiếng.

Chân dung ông chủ Plaschem

Sinh năm 1967, doanh nhân Bùi Tố Minh được biết đến là ông chủ của CTCP Hoá chất nhựa (Plaschem) với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng/năm. Sau một thời gian dài tích lũy trong ngành nhựa, vị doanh nhân Bùi Tố Minh lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, nghỉ dưỡng với nhiều dự án khá tên tuổi.

Theo tìm hiểu, Plaschem được thành lập từ tháng 10/1999, đăng ký địa chỉ trụ sở tại tòa nhà cùng tên tại số 562, Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Bùi Tố Minh.

Nhà máy Adstar của Plaschem tại tỉnh Long An

Năm 2001, Plaschem đầu tư dây chuyền sản xuất hạt nhựa đầu tiên theo công nghệ nhập khẩu từ hãng Starlinger của Cộng Hòa Áo. Theo giới thiệu, tổng công suất vận hành thực tế của 5 dây chuyền đến cuối năm 2015 đạt khoảng 20.000 tấn/năm, chiếm khoảng 48 – 50% tổng sản lượng cả nước. Doanh số hàng năm của công ty đạt hơn 1.500 tỷ đồng.

Tới đầu năm 2013, doanh nghiệp đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất bao AD Star Tú Phương (tại cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, thành phố Tân An, tỉnh Long An) có tổng mức đầu tư 15 triệu USD, sản lượng 156 triệu bao/năm, chuyên cung cấp sản phẩm có các doanh nghiệp xi măng.

Ngoài ra, Plaschem còn là đối tác chiến lược duy nhất tại Việt Nam được hãng máy Starlinger, dành ưu ái đặc biệt về công nghệ cũng như hỗ trợ kỹ thuật, cấp thiết bị phụ tùng.

Trong thời gian gần đây, đặc biệt là từ nửa đầu năm 2020 là quãng thời gian hoạt động khá sôi nổi của Plaschem. Tháng 1/2020, công ty này quyết định đầu tư 1.000 tỉ đồng xây dựng Nhà máy màng BOPP Tú Phương (Tu Phuong BOPP Film Factory) giai đoạn 1, rộng 4.000 m2 tại cụm công nghiệp nhựa Tú Phương, thành phố Tân An, tỉnh Long An.

Nhà máy được khởi công vào cuối tháng 2/2020 và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 3/2021, với sản lượng khoảng 50.800 tấn sản phẩm.Trong vòng 4 năm gần nhất, Plaschem liên tục ghi nhận tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.

Năm 2019, doanh thu thuần của Plaschem đạt mức 3.214,7 tỉ đồng. Đồng thời, công ty này cũng báo lãi thuần ở mức 244,9 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 7,6%.Tính đến cuối năm 2020, quy mô tổng tài sản của Plaschem đạt mức 2.646,2 tỉ đồng, cao gấp hơn 3 lần quy mô vốn chủ sở hữu.

Cú ‘bẻ lái’ sang lĩnh vực bất động sản

Kết quả kinh doanh khả quan của Plaschem trong những năm qua không chỉ đến từ ngành nhựa, mà còn được đóng góp một phần nhờ các thương vụ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Đề cập tới “hệ sinh thái” của đại gia Minh “nhựa”, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới chuỗi Silk Path với 5 khách sạn cao cấp phân bổ tại Sa Pa, Hà Nội, Huế và TP. HCM.

Hệ thống khách sạn này được phát triển bởi một loạt các pháp nhân và cá nhân liên quan tới ông Bùi Tố Minh như: Công ty TNHH Khách sạn Silk Path, CTCP Du lịch Xanh – Huế VNECO, CTCP Pusamcap Sapa, Công ty TNHH Đầu tư du lịch nghỉ dưỡng Puscamcap Sapa, các bà Bùi Thị Lan Anh, Bùi Tú Phương (SN 1992, con gái của ông Bùi Tố Minh).

Trong đó, Plaschem là công ty mẹ, trực tiếp nắm 51% vốn của CTCP Đầu tư du lịch nghỉ dưỡng Pusamcap Sapa (nay đã chuyển đổi sang mô hình trách nhiệm hữu hạn).
Silk Path Grand Resort & Spa Sapa

Còn CTCP Du lịch Xanh – Huế VNECO vốn là thành viên của Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam (Mã CK: VNE). Tuy nhiên, vào tháng 6/2018, VNE đã hoàn tất thoái 99,86% vốn của Du lịch Xanh – Huế VNECO cho nhóm các nhà đầu tư Công ty TNHH Khách sạn Silk Path, bà Bùi Tú Phương và ông Tạ Đàm Hưng.

Các báo cáo được VNE công bố cho thấy, phía đối tác nhận chuyển nhượng đã chi ra 279,34 tỉ đồng, tương đương với giá chuyển nhượng 13.499 đồng cho mỗi cổ phiếu của Du lịch Xanh – Huế VNECO, qua đó sở hữu Khách sạn Xanh (tiêu chuẩn 4 sao, 199 phòng), Khu Biệt thự Cẩm Tú tại vường quốc gia Bạch Mã.

Việc thâu tóm các doanh nghiệp có “gốc” Nhà nước để phát triển quỹ đất xây dự án địa ốc thực ra không còn quá xa lạ đối với ông Minh. Kinh nghiệm thành công tại tại CTCP Vận Tải Muối (Sal Traco) là một bài học đáng giá cho vị doanh nhân sinh năm 1967.

Sal Traco vốn là doanh nghiệp quản lý sử dụng khu đất công nghiệp, kho tàng có diện tích 12.240 m2 tại số 1 ngõ 319 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Tháng 5/2011, UBND Tp. Hà Nội đã ban hành quyết định số 1952/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ chức năng khu đất trên thành đất xây dựng khu hỗn hợp nhà ở, dịch vụ thương mại, văn phòng với chiều cao công trình lên tới 23 tầng, diện tích xây dựng 5.445 m2, dân số tối đa 1.800 người.

Đến năm 2015, Sal Traco bất ngờ có đề xuất điều chỉnh quy mô xây dựng thành dự án xây dựng nhà liền kề thấp tầng và nhà trẻ, mở rộng diện tích đất xây dựng công trình lên 12.082 m2.

Dự án sau đó được chào bán với tên thương mại Green Park 319 Vĩnh Hưng với 94 căn hộ liền kề cao 5 tầng, đồng bộ theo kiến trúc châu Âu. Hai năm gần đây, kết quả kinh doanh của Sal Traco bỗng khởi sắc, báo lãi tới cả trăm tỷ đồng, giúp Sal Traco lọt top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế cao nhất cả nước.

Gần nhất, hai năm 2018 và 2019, lợi nhuận thuần của Sal Traco lần lượt đạt 180 tỉ đồng và 154 tỉ đồng. Việc công ty này báo lãi lớn có thể được hiểu là do được hạch toán thu nhập từ hoạt động bán hàng khi dự án đi vào bàn giao, trong khi việc giá trị lợi nhuận đạt tỷ trọng rất cao so với doanh thu thuần (tới hơn 55%) phần nào thể hiện mức chênh lệch địa tô lớn mà chủ đầu tư đã được hưởng từ dự án.

Ngày 20/1/2020, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 398/QĐ-UBND về việc cho phép CTCP Hóa chất Nhựa (Plaschem) chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu nhà ở, dịch vụ thương mại và văn phòng Plaschem tại số 93 phố Đức Giang (phường Đức Giang, quận Long Biên) cho CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản Thế Kỷ (Cen Invest).

Cen Invest là doanh nghiệp của vợ chồng Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cengroup, HOSE: CRE), là ông Nguyễn Trung Vũ (sinh năm 1971) – bà Trần Thị Thanh Bình (sinh năm 1978).

Thương vụ này cũng cho thấy sự “mát tay” của đại gia Bùi Tố Minh trong hoạt động đầu tư ngoài ngành nhựa.

Không giới hạn ở đô thị lớn, nhiều dấu hiệu cho thấy, ông chủ Plaschem đang tham vọng mở rộng cuộc chơi địa ốc ra cả khu vực ngoại tỉnh.

Theo đó, cuối năm 2018, ông Bùi Tố Minh trở thành Chủ tịch kiêm người đại diện của Công ty TNHH Phú Ninh – chủ đầu tư dự án xây dựng Khu nghỉ dưỡng Phú Ninh, có quy mô 20.294,8 m2 tại xã Bảo Ninh, Tp. Đồng Hới.

Ngoài ra, trong các năm 2019 và 2020, Plaschem và ông Bùi Tố Minh liên tiếp góp vốn thành lập một số doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở tại KCN Đồng Văn I, tỉnh Hà Nam như: Công ty TNHH Đầu tư phát triển Hạ tầng Plaschem, CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng Duy Tiên, CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng khu công nghiệp Hà Nam.

Trong đó, CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng khu công nghiệp Hà Nam là thành quả của mối hợp tác giữa ông Bùi Tố Minh và nhóm TMD Group của nhà đại gia 8x Chu Đăng Khoa, bên cạnh CTCP Điện mặt trời Miền Trung MK – chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Kỳ Anh MK, có tổng mức đầu tư 16.000 tỉ đồng.

Theo vietnambusinessinsider.vn

Tin tức liên quan