Các tài năng golf Việt Nam, khi tham gia Global Amateur Pathway, có thể chỉ mất một năm là vào được đấu trường golf chuyên nghiệp hạng nhất châu Âu – DP World Tour.
Global Amateur Pathway (GAP) ra mắt ngày 6/6, được coi là một cơ hội cực tốt dành cho các golfer nam nghiệp dư tiến lên đấu trường chuyên nghiệp, trong đó xác định DP World Tour là điểm đến trong giai đoạn đầu. Đây là sáng kiến do DP World Tour và PGA Tour phối hợp triển khai với R&A – tổ chức đang cùng USGA ra luật chơi và phát triển golf thế giới.
Dù vậy, GAP không áp dụng đối với nhóm I trong giải vô địch golf học đường thanh thiếu niên toàn quốc Mỹ hàng năm bởi nhóm này đã có chương trình riêng với năng lực thi đấu cấp bán chuyên.
Khi vận hành, GAP sẽ chọn lọc loạt giải với điểm thưởng tương ứng trên bảng golf nam nghiệp dư thế giới (WAGR). Kết thúc lịch trình đó, top 20 sẽ được thẻ đấu trên DP World Tour mùa tiếp theo, còn các gương mặt ngoài top 20, tùy thứ bậc sẽ đánh trên Challenge Tour hạng nhì cùng hệ thống, với quyền lợi theo hướng giảm dần.
Để tham gia cuộc đua này, amateur phải nằm trong top 200 trên WARG vào thời điểm đăng ký và ít nhất 20 tuổi tính đến cuối năm hành chính. Theo điều kiện đó, Nguyễn Anh Minh 17 tuổi, Lê Khánh Hưng 16 tuổi có khả năng dự GAP. Tuần này, Anh Minh đứng thứ 117 thế giới, Khánh Hưng ở bậc 294.
Do WAGR chạy theo chu kỳ hai năm liên tiến, Ban tổ chức GAP xác định khóa I tính từ 17/10/2022 đến 13/10/2024, còn khóa II từ 16/10/2023 đến 12/10/2025.
Trong quy trình tham gia GAP, amateur bước đầu phải liên hệ qua e-mail, sau đó điền thông tin theo mẫu, nếu đáp ứng tiêu chí sẽ được phân bổ vào các khóa tương ứng.
Thứ bậc, thể hiện qua điểm trong cuộc đua GAP sẽ được cập nhật hàng tuần.
Các golfer nghiệp dư Việt Nam hàng đầu hiện nay, ngoài Anh Minh và Khánh Hưng còn chín nam và sáu nữ trên WAGR. Nhóm này có bốn gương mặt đang thuộc thứ hang từ 700-1000, gồm Nguyễn Đức Sơn (743), Đoàn Uy (753), Nguyễn Tuấn Anh (818), Nguyễn Đặng Minh (982).
Đây là kết quả đáng mừng, thu từ định hướng cho golf trẻ tích cực cọ xát ở các giải đòi hỏi chuyên môn cao và được tính điểm trên WAGR, do Hiệp hội golf Việt Nam (VGA) xác định vài năm gần đây.
Chủ trương đó cũng thể hiện khi VGA ký bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội golf Singapore hôm 6/6. Theo văn bản này, hai bên sẽ thường xuyên tổ chức ba hoạt động gồm: bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm trong chiến lược phát triển golf, tập huấn chuyên môn cao cho nhóm golfer triển vọng và mở các giải giao lưu thường niên.
Theo VNE
Tin tức liên quan
- Cơ hội tham gia sâu rộng vào ngành công nghiệp golf Việt
- Thêm 31 trọng tài golf đạt chứng chỉ R&A level 2 khu vực phía Nam
- VGS đổi tên thành VG Corp và công bố chiến lược phát triển lớn
- Học viện Golf 72+ kỷ niệm 10 năm thành lập, tổ chức hội thảo ‘Nâng tầm chất lượng đào tạo golf Việt’
- Các tiêu chí xét Giải Phong Cách-Swing for Education 2023