Sau gần 40 năm sở hữu, gã khổng lồ adidas đã bán lại TaylorMade, thương hiệu có thị phần tỷ đô. GolfNET điểm lại những câu chuyện hợp, tan, những thương vụ mua bán, sáp nhập đình đám trong lịch sử của ngành công nghiệp golf thế giới.
adidas đã bán lại thương hiệu TaylorMade với giá 425 triệu USD cho quỹ đầu tư KPS Capital Partners. Mức giá này rẻ hơn nhiều so với giá trị của công ty sản xuất thiết bị golf đang chiếm thị phần số 1 thế giới.
Dù lịch sử đã không vẽ lên một bức tranh thành công về những động thái này. Nhưng hoạt động kinh doanh golf vẫn luôn là chủ đề hấp dẫn, thu hút hàng núi tiền đổ vào đầu tư.
Spalding/Evenflo về với KKR
Năm 1996 Spalding/Evenflo chính thức gia nhập vào công ty đầu tư tư nhân Kohlberg Kravis Roberts (KKR) và đổi tên thành Spalding Holdings Corp, thương vụ này được Wall Street ước tính có giá trị khoảng 900 triệu đến 1 tỷ USD.
Trước đó, mặc dù Spalding được biết đến như là một công ty dụng cụ thể thao khổng lồ có thế lực lớn trong ngành công nghiệp golf, bao gồm 2 thương hiệu Top-Flite và Etonic.
Tuy nhiên, do sự ganh đua khốc liệt trong thị trường golf và để thanh toán cho khoản nợ khổng lồ của mình cùng với những sai lầm trong kinh doanh đã khiến cho công ty như “ngọn đèn leo lắt trước gió bão”. Cuối cùng, Spalding đã quyết định bán hết tất cả các hạng mục kinh doanh không liên quan đến golf cùng với thương hiệu Etonic và đổi tên cho tổ chức còn lại thành Top – Flite.
Cobra nhiều lần đổi chủ
Năm 1996, thương hiệu Cobra tiếp tục bị bán lại sau khi về với American Brands. Chủ sở hữu mới của Cobra là Acushnet (chủ của Titleist) mua lại công ty này với giá 700 triệu USD. Thương vụ này được coi là một thắng lợi của cả hai công ty.
Cobra là một ông trùm đứng đầu thị trường về việc sản xuất những cây gậy sắt ngoại cỡ và dòng gậy graphite dành cho những golfer ưa tốc độ swing chậm. Titleist là tên tuổi hàng đầu về bóng golf, găng tay và giày golf với thương hiệu FootJoy.
Thomas C. Hay, Chủ tịch kiêm CEO của American Brands tại thời điểm đó cho rằng: “Đây là một vụ mua bán siêu lợi nhuận đặc biệt phù hợp với chiến lược của chúng tôi trong việc đẩy mạnh giá trị thương hiệu”.
Rõ ràng đây là một vụ mua bán siêu lợi nhuận đối với Greg Norman, người ước tính đã bỏ túi 45 – 50 triệu USD từ thương vụ này. Ngược lại với Titleist, sau khi về nhà mới, Cobra đã phải vật lộn để tồn tại khi trở thành thành viên của Acushnet, phần lớn bị ảnh hưởng do sự phát triển gậy golf của Titleist. Cuối cùng Cobra cũng đã được bán lại cho Puma AG vào năm 2010.
Cobra về với Puma
Sau khi Acushnet (cha đẻ của Titleist, FootJoy và Cobra) đã kí thỏa thuận bán Cobra cho Puma AG vào năm 2010, hai câu hỏi được đặt ra là “Tại sao Acushnet lại bán?” và “Tại sao Puma lại mua?”
Và cũng sau khi công ty mẹ của Acushnet, American Brands (hiện giờ là Fortune Brands) mua Cobra với giá 700 triệu USD vào năm 1996, Cobra đã trở thành một thương hiệu gậy hàng đầu.
Mặc dù Cobra đã có một số thành công lớn trong lĩnh vực gậy golf, nhưng những cây gậy mang thương hiệu Titleist đã bắt đầu có những dấu hiệu thu hút người chơi hơn, do đó đã trực tiếp đưa họ vào cuộc cạnh tranh về doanh số với Cobra hơn là bổ trợ cho nhau như 2 nhánh của một thương hiệu.
Trong khi đó, sau khi mua lại Cobra, Puma đã trở thành một đối thủ lớn trong chuỗi các công ty sản xuất thiết bị với cơ sở phân phối lớn các thiết bị, trang phục golf và là điểm đến của nhiều ngôi sao thời bấy giờ (Camilo Villegas và Ian Poulter).
Kể từ đó, Cobra đã phát triển như một thương hiệu thời trang trong lĩnh vực golf và du lịch với các tín đồ như Rickie Fowler, Lexi Thompson và gần đây là Bryson DeChambeau.
Callaway thâu tóm Odyssey
Vào tháng 7/1997, Callaway đã mua lại hãng sản xuất gậy putter nổi tiếng thế giới – Odyssey với giá 130 triệu USD, gấp gần 4 lần doanh thu hàng năm của công ty thời bấy giờ là 35 triệu USD.
Don Dye, Chủ tịch kiêm CEO của Callaway chia sẻ: “Chúng tôi đã quyết định sẽ cung cấp cho khách hàng những cây gậy putter tốt nhất trên thị trường vào năm 1997 và chúng tôi tin rằng thương vụ mua bán này sẽ giúp chúng tôi hoàn thành mục tiêu đó”.
Kể từ khi bị mua lại, Odyssey tiếp tục là một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới về hạng mục sản xuất gậy putter. Vào năm 2015, báo cáo thường niên của Callaway cho biết rằng doanh thu của họ đã đạt 86.3 triệu USD từ việc bán gậy putter.
Maxfli về với TaylorMade
Năm 2002, TaylorMade đã mua lại Maxfli và danh mục bằng sáng chế của nó. Maxfli khi đó là một thương hiệu dụng cụ thể thao chuyên về bóng golf, nhưng vì một số vấn đề phức tạp diễn ra sau đó, công ty này đã không thể tái thiết lập được thương hiệu Maxfli.
Mối quan hệ giữa đại sứ thương hiệu John Daly với Maxfli TaylorMade bị sụp đổ cùng với việc danh tiếng thương hiệu bóng cao cấp đã bị các thương hiệu bóng Fire và Noodle giá rẻ của Maxfli chiếm phần lớn thị phần.
Sáu năm sau, TaylorMade quyết định tập trung vào hoạt động kinh doanh bóng của chính mình và bán lại Maxfli cho Dicks, chuỗi thương hiệu thiết bị thể thao nhưng vẫn giữ tên Noodle như một thực thể độc lập.
Ben Hogan/Top-Flite về với Callaway
Vào tháng 9/2003 Ben Hogan và Top-Flite đã bị Callaway mua lại một số lĩnh vực kinh doanh bao gồm: thương hiệu bóng và gậy Top-Flite. Thành quả của thương vụ mua bán này là kết quả của 33 lần đấu thầu.
Ben Hogan và thương hiệu Strata cũng như nhà máy sản xuất bóng ở Chicopee sở hữu một số bằng sáng chế bóng golf vốn được nhiều người khao khát.
Callaway đã chi trả 174.4 triệu USD và số còn lại được quy thành một khoản nợ. Theo thời gian, chiến thắng này đã tỏ ra có giá trị đối với Callaway khi giúp Callaway chuyển bộ phận kinh doanh từ nhà máy sản xuất bóng tại Carlsbad, California sang Chicopee.
Đồng thời, công ty này cũng sử dụng một số bằng sáng chế và thúc đẩy nhãn hiệu Apex của Hogan trong chuỗi hoạt động phân phối gậy golf mang thương hiệu Callaway.
Golf Biz Titleist về với Fila Korea
Thương vụ mua bán chưa từng có trong ngành thiết bị golf thế giới đã xảy ra khi Công ty Fila Korea và Mirae Asset Private Equity đã chính thức mua lại công ty Acushnet (sở hữu các thương hiệu Titleist, FootJoy và Pinnacle) với giá 1,23 tỷ USD trong năm 2011.
Acushnet vẫn duy trì hoạt động độc lập tại Fairhaven, Massachusetts và mở rộng ra thị trường châu Á, nơi được dự báo có tiềm năng phát triển khủng khiếp. Chủ tịch kiêm CEO của Acushnet, Wally Uihlein đã thỏa thuận thành công với Fila Korea về việc giữ nguyên vẹn công ty và thương hiệu mà ông đã nuôi dưỡng trong hơn 20 năm, cho phép ông được tiếp tục giữ chức vụ.
Uihlein chia sẻ suy nghĩ của ông vào thời điểm quyết định bán thương hiệu: “Nếu tôi có thể làm được một thứ gì đó khi tôi bắt đầu ở nơi đây, thì sẽ là giữ cho công ty ở một vị trí mà có thể duy trì được thương hiệu và bây giờ nó đã được quyết định bởi sự toàn cầu hóa ngành golf”.
Yes! về với Adams Golf
Vào tháng 1/ 2011, CEO của Adams Golf, Chip Brewer đã chính thức sở hữu nhà sản xuất gậy putter của Yes! Golf sau khi thắng với giá thầu 1,5 triệu USD trong phiên đấu giá của U.S. Bankruptcy Court.
Brewer cho biết: “Chúng tôi muốn kinh doanh gậy putter trong một thời gian dài. Yes! là một thương hiệu quốc tế mạnh, với khoảng 70% doanh thu đến từ thị trường quốc tế và điều này sẽ giúp chúng tôi bởi vì nguồn thu chủ yếu của Adams là trong nước.”
Nhưng thật không may, một năm sau đó Adams đã được bán cho TaylorMade và Brewer rời khỏi Callaway và thương hiệu Yes! đã không bao giờ có thêm cơ hội để trở lại thị trường.
Adams Golf bị TaylorMade thâu tóm
Vào tháng 3/2012, TaylorMade tuyên bố đã đạt được thỏa thuận mua lại tất cả cổ phiếu của Adams Golf với giá 10.80 USD/ cổ phiếu bằng tiền mặt (khoảng 70 triệu USD). Vào thời điểm đó, Herbert Hainer, Tổng giám đốc của adidas, công ty mẹ của TaylorMade, cho biết động thái này “phản ánh cam kết của chúng tôi đối với sự tăng trưởng liên tục của ngành golf”.
Ý tưởng này đã kéo được hai thương hiệu lại với nhau, một sự bổ sung hoàn hảo cho nhau, đó là, Adams tập trung cho cả golfer nữ và golfer trung niên, trong khi TaylorMade-adidas Golf tập trung vào các golfer trẻ và những golfer có handicap thấp hoặc trung bình.
Động thái này đã có một vài ảnh hưởng kéo theo sau đó, bao gồm việc CEO của Adams, Chip Brewer rời khỏi công ty trước khi tuyên bố đối đầu với đối thủ của TaylorMade, Callaway.
Về phần mình, TaylorMade đã nhận được một số bằng sáng chế liên quan đến công nghệ tạo rãnh ở đầu gậy, điều mà sau đó hãng đã áp dụng thành công trong dòng gậy RocketBallz. Rút cuộc thương hiệu Adams đã dần bị biến mất theo thời gian và chỉ là một phần của TaylorMade.
Sumitomo Rubber mua Cleveland
Vào mùa thu năm 2007, SRI Sports (Sumitomo Rubber, công ty sở hữu thương hiệu Srixon và Dunlop ở Nhật Bản) đã mua lại Cleveland Golf (được sở hữu bởi Quiksilver) sau lần chào bán cổ phiếu của công ty này với giá 132.5 triệu USD.
Thời điểm đó SRI đang có doanh thu ròng 2.2 tỷ USD và là công ty thiết bị golf lớn nhất tại Nhật. Việc mua lại lần này nhằm giúp Srixon đạt được sức hút nhất định trên thị trường Mỹ đồng thời củng cố hoạt động kinh doanh của Cleveland.
Mặc dù Srixon đã có những đột phá nhỏ trên thị trường Mỹ kể từ sau khi thực hiện vụ mua bán này, đặc biệt là đối với bóng golf, thế nhưng hoạt động kinh doanh của Cleveland lại có sự suy giảm mạnh, ngay cả trong lĩnh vực gậy wedges vốn là thế mạnh của họ.
Theo NĐ&ĐS
Tin tức liên quan
- Tại sao giải Vô địch các CLB Golf Hà Nội Mở rộng luôn tạo ra đột phá?
- Sgolf và sân golf Long Biên bắt tay nâng cao chất lượng dịch vụ golf tại Việt Nam
- Voice Caddie: Công nghệ tiên tiến nâng tầm giải CLB Dòng Họ 2024
- CODECHAOS 25 – sản phẩm phá vỡ định kiến về giày golf không đinh của adidas
- Laguna Lăng Cô-Sân golf đi tiên phong cung cấp DV livescore các giải đấu