Vào thế giới của Golf (kỳ 4): Sự bất cập của Văn hóa Golf Việt

Từ một môn thể thao sang trọng, lịch lãm với vô số chuẩn mực văn hoá, khi du nhập vào Việt Nam, với không ít người, golf đã trở thành môn thể thao “cuốc đất” đúng với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Những chuẩn mực văn hóa golf dễ dàng bị bỏ qua chỉ vì người chơi không được đào tạo đến nơi đến chốn.

> Vào thế giới của Golf (kỳ 3): Từ xóa nghèo đến gia nhập giới ‘tinh hoa’

> Vào thế giới của Golf (kỳ2): Cánh tay nối dài của ngành công nghiệp tỷ đô

> Vào thế giới của Golf (kỳ 1): Những ‘con nghiện đói bóng’

Từ những golfer ‘nửa mùa’

Chiều muộn tấp qua sân Long Biên gặp mấy anh bạn bỗng gặp một golfer to béo đang ra sức cầm gậy vụt lấy vụt để, quả trúng, quả không, đất cát bay tung tóe. Thấy tôi đến gần, anh dừng lại phân trần: tranh thủ quật mấy quả rồi còn ra sân, mấy ông bạn đang đợi.

Đem chuyện này trao đổi với Hoàng Tiến, golfer quen của sân golf Tam Đảo, anh cho biết, hiện tượng chơi golf như “cuốc đất” chính là nỗi lo ngại của các sân golf. Bản chất của golf là môn thể thao cao cấp với hàng trăm quy định chưa được luật hoá và đã được luật hoá.

Thế nhưng khi vào Việt Nam, hệ thống quy định đó bị rơi rụng dần. Tình trạng golfer nửa mùa học hành theo kiểu bắt chước rồi cầm gậy ra sân đã trở nên khá phổ biến.

Sự hiểu biết không đầy đủ về luật lệ và văn hoá golf cũng là nguyên nhân gây ra những cuộc cãi vã trên sân, khiến những cuộc chơi từ chỗ văn hoá đến phản văn hoá. Chuyện golfer đếm thiếu gậy để tự nâng thành tích của mình lên trở thành một hiện tượng phổ biến. Nặng nề hơn là việc golfer “tung chưởng” với caddie thậm chí có trường hợp dùng gậy đánh vào đầu caddy đến mức phải nhập viện.

Mấy năm trước, Hội golf Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định đình chỉ thi đấu với một golfer chỉ vì sự gian lận có hệ thống. Ông Đinh Văn Minh, một golfer của thành phố Vũng Tàu cho biết, với những cuộc chơi “trà xanh không độ” thì khỏi bàn, còn khi đã có tý cá cược, gian lận đã trở thành công nghệ.

Một golfer bị bạn chơi cạch mặt chỉ vì khi ra sân, anh này chỉ dùng đúng 1 loại bóng, cùng một số như nhau. Khi bóng rơi vào đường biên, không thể tìm thấy thì anh ta moi sẵn một quả dấu sẵn trong túi rồi bỏ xuống cỏ, reo lên: ‘đây rồi’… bằng cách đấy, anh sẽ tránh được không ít gậy phạt.

Và những hệ lụy

Chuyện văn hoá golf chỉ là một phần trong cuộc chơi của các golfer, còn chuyện về kỹ năng chơi cũng là một vấn đề.

Với cách chơi golf theo kiểu “cuốc đất… trồng khoai” nhiều tay golf vụt những nhát gậy không thương tiếc vào thảm cỏ xanh mịn vốn được đầu tư chăm sóc rất kỹ, những mảng cỏ được tung lên nham nhở tạo thành vết sẹo trên sân golf. Hơn thế là việc vụt bóng bay lung tung khiến tốc độ chơi bị chậm lại, làm ảnh hưởng đến những nhóm chơi sau đó.

Người viết bài này cũng đã dính vào một trận golf kéo dài hơn 5 tiếng chỉ vì nhóm chơi trước đó đánh quá tệ, hoặc đánh nhiều gậy, bóng bay lung tung khiến caddie phải mất công tìm bóng hoặc sắp xếp cú đánh quá lâu.

Golf là môn thể thao đòi hỏi sự lịch lãm, trung thực từ người chơi.

Khi bày tỏ sự sốt ruột muốn vượt thì được caddie trả lời: các bác ấy toàn là khách ‘VIP’, các bác không đồng ý đành phải chịu.

Chơi golf, từ hay đến dở, ai cũng phải trải qua quá trình ấy. Tuy nhiên, với golf là môn thể thao mà đòi hỏi sự vận động hợp lý đến từng chi tiết của các bộ phận trên cơ thể, nếu không được học hành bài bản sẽ rất rủi ro.

Rủi ro đầu tiên chính là sự bong gân, thậm chí sai khớp do sự căng cứng quá sức của các cơ. Rủi ro thứ hai là khi đánh quả bóng không như mong muốn, dễ gây ra tai nạn cho bạn chơi và những người đứng gần. Cùng với đó là việc phá hỏng mặt cỏ của sân như đã nói ở trên.

Ở Việt Nam và một vài nước châu Á mới nổi, nguồn nhân lực rẻ, dồi dào nên cách chơi golf cũng có sự khác biệt. Golfer trên sân, trong cuộc đấu sẽ có các “caddy”, người đồng hành cùng golfer, phục vụ từ việc lau gậy, đặt bóng, kéo túi đựng gậy,… Nhưng ở châu Âu, châu Mỹ, Autralia thì người chơi hoàn toàn “tự túc” trong mọi việc. Quan trọng nhất là không được để lại các vết tích không bình thường trên mặt sân.

Sự xuất hiện muộn màng của golf khiến người chơi golf ở Việt Nam chưa nhiều. Để thu hút khách chơi golf, một số sân có thói quen “chiều chuộng” các golfer nên thường xuề xòa, bỏ qua nhiều sai sót của golfer trên sân. Cùng với đó là nhiều dịch vụ hỗ trợ kèm theo đã vô tình khiến cho dư luận nghĩ rằng đây là môn thể thao chỉ dành cho người giàu, “Có tiền mới làm phiền được thiên hạ”.

HLV Nguyễn Đăng Khoa đang hướng dẫn tư thế cho một học viên tại KGA

Từ đó, văn hóa ứng xử trên sân golf ở Việt Nam cũng được hình thành khác hơn so với nước ngoài.

Nổi bật nhất là hiện tượng nhiều golfer có xu hướng tập trung chủ yếu vào việc cải thiện kỹ, chiến thuật song lại dễ dàng bỏ qua những giá trị không kém phần quan trọng khác là Luật golf và quy tắc ứng xử trên sân (Golf Etiquette).

Một phần vì họ đã không được dạy những điều đó trước khi ra sân, một phần nữa là những người quản lý sân golf không mấy quan tâm hoặc họ ngại khi phải nhắc nhở những hành vi thiếu chuẩn mực của các golfer, đặc biệt là với các VIP.

Văn hóa golf là một phần không thể thiếu của môn thể thao lịch lãm này

Luật golf quy định rất rõ, golf là môn thể thao thượng lưu, văn hóa ứng xử trên sân golf là một phần không thể tách rời luật chơi. Thêm vào đó là việc quan tâm đến cơ sở vật chất là điều mà mọi golfer phải làm. Nếu khi chơi trên sân cỏ bị xúc xới thì cần thu dọn mặt cỏ ngay lập tức và trả lại vị trí ban đầu, và caddie sẽ cho một ít cát mịn vào, sau đó dùng chân giẫm lên nó trước khi rời đi.

Khiêm tốn học hỏi – phẩm chất quan trọng của văn hóa golf

Luật golf gồm nhiều điều khoản và rất phức tạp, không mấy ai nắm hết. Nếu bạn là người mới gia nhập golf, không biết nhiều, bạn có thể hỏi ý kiến của đồng đội hoặc caddie và bạn sẽ được cảm thông và tôn trọng.

Golf là môn thể thao kỳ lạ là càng chơi lâu người ta càng khiêm tốn. Học tập với tinh thần cởi mở có thể làm giàu kiến thức của bạn và thúc đẩy sự cải thiện nhanh chóng các kỹ năng chơi golf của bạn.

Năm 2016, người viết có dịp tham dự giải golf nghiệp dư Quốc gia mở rộng do Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) tổ chức ở sân golf Sacom Tuyền Lâm, TP Đà Lạt, tôi có may mắn được chơi cùng nhóm với Varuth Nguyễn, một golfer trẻ người Thái gốc Việt.

Varuth Nguyễn vô địch giải chuyên nghệp khi còn thi đấu nghiệp dư

Varuth Nguyễn, sinh năm 1999 có bố người Việt, mẹ người Thái Lan là một trường hợp đặc biệt. Khi còn là golfer nghiệp dư, anh thường xuyên thi đấu tại giải chuyên nghiệp Việt Nam. Tháng 8/2019, Varuth trở thành golfer nghiệp dư đầu tiên vô địch một sự kiện chuyên nghiệp – VPGTour Heron Lake Machplay 2019, tổ chức tại sân golf Heron Lake. Tháng 11/2019, Varuth chuyển thi đấu chuyên nghiệp và chỉ một tháng sau, anh có danh hiệu vô địch thứ hai – VPGTour West Lakes Matchplay 2019, tổ chức tại sân Long An vào tháng 12/2019.

> Những golfer trẻ tài năng gốc Việt tại giải chuyên nghiệp Việt Nam

> Golfer nghiệp dư Varuth Nguyễn vô địch giải chuyên nghiệp Việt Nam

Chỉ sau 1 tháng lên chuyên, Varuth Nguyễn có danh hiệu vô địch chuyên nghiệp thứ hai

Varuth chơi golf từ năm lên 6 tuổi, handicap 0, về mặt tuổi tác, Varuth chỉ là đứa trẻ nhưng về mặt kỹ thuật chơi golf thì tôi lại là đứa trẻ so với Varuth.

Suốt 18 hố cùng nhau trên sân, Varuth đã thể hiện sự nhã nhặn với những bạn chơi và cậu cho đây là một trong những giá trị cơ bản của golf. Tinh thần thể thao với những đức tính như khiêm tốn và tôn trọng người khác được coi và một trong những yêu cầu của văn hóa golf.

Một golfer muốn cải thiện kỹ thuật của mình luôn cần sự cởi mở để lắng nghe những góp ý mang tính xây dựng từ bạn chơi, huấn luyện viên, và luôn sẵn sàng để sửa chữa. Những golfer lâu năm, thành tích tốt thường nhận thức sâu sắc được được tầm quan trọng của việc tập luyện, lắng nghe những nhận xét của bạn chơi và chỉnh sửa không ngừng.

Chúng ta đang ở trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ với thế giới văn minh, để có thể chủ động vươn lên và không bị tụt hậu, không có cách nào khác là phải nắm vững luật lệ và tự hoàn thiện mình trong những chuẩn mực ấy.

Golf là môn thể thao kỳ diệu giúp cho con người tự sửa mình một cách tốt nhất, nhưng để nhập môn golf, tiền thôi chưa đủ, điều quan trọng hơn là hiểu về nó và trang bị cho mình những kỹ thuật cần thiết trước khi cầm gậy bước vào sân thi đấu.

Phan Thế Hải
(Còn tiếp)

Tin tức liên quan