Sun Group ra mắt hãng hàng không hạng sang Sun Air

Ngày 2/3/2022, SunGroup đã chính thức nhận giấy phép thành lập hãng hàng không Sun Air, mục tiêu trở thành hãng hàng không “private jet” hiện đại, đẳng cấp quốc tế.

Sun Air sẽ phục vụ hai dịch vụ: Quản lý tàu bay tư nhân và bay thuê chuyến, bay tham quan ngắm cảnh, du lịch bằng trực thăng và thủy phi cơ.

Hãng hàng không Sun Air hướng tới những hành khách là giới thượng lưu có khả năng chi trả cao và luôn đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe nhất, bao gồm các doanh nhân, giới tài phiệt, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đi giao dịch công tác, khảo sát dự án, chữa bệnh, tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng…

Hãng cũng đặt mục tiêu trở thành hãng bay private jet (phản lực thương gia) cung cấp chuyên cơ toàn cầu, sử dụng các loại tàu bay tốc độ nhất thế giới nhằm hướng đến vị trí dẫn đầu trong cuộc đua tốc độ trên không, rút ngắn tối đa thời gian mỗi chặng bay.

Sun Group ra mắt hãng hàng không siêu sang Sun Air, chuyên chở khách thượng lưu

Khai thác phân khúc bay thuê chuyến (private jet charter), “tân binh” trên thị trường hàng không sẽ phát triển nhiều đường bay đưa dòng khách sang trọng tới nhiều thị trường lớn khắp thế giới, bằng các dòng máy bay phản lực thương gia Gulfstream G650ER, Gulfstream G700 có tầm bay xuyên lục địa, trang bị công nghệ tối tân và không gian cabin đẳng cấp. Đây cũng là các chuyên cơ được rất nhiều tỷ phú thế giới như Elon Musk hay Jeff Bezos lựa chọn sử dụng.

Theo lộ trình, từ quý 3/2022, Sun Air sẽ khai thác 2 máy bay phản lực thương gia Gulfstream G650ER. Giai đoạn 2023-2025, Sun Air dự kiến đưa vào vận hành 4 máy bay Gulfstream G650ER, 1 máy bay Gulfstream G700, 1 trực thăng và 2 thuỷ phi cơ.

Trong tương lai, hãng hàng không của Sun Group dự kiến khai thác thêm các máy bay thuộc đẳng cấp cao nhất trong dòng máy bay phản lực thương gia, vốn được ví như những “cung điện bay”. Đó là các dòng máy bay siêu lớn (ultra-large) và siêu xa (ultra-long range) như Boeing BBJ và Airbus ACJ.

Đối với dịch vụ cung cấp trực thăng và thủy phi cơ phục vụ du lịch, tham quan, ngắm cảnh, Sun Air cho biết hãng đang làm việc với các thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới hiện nay như hãng trực thăng Agusta, Airbus, Sikorsky hay hãng thuỷ phi cơ De Havilland Canada, hãng sản xuất máy bay Cessna thuộc Tập đoàn Textron Hoa Kỳ, nhằm cung cấp những trải nghiệm bay an toàn cao và hoàn toàn khác biệt tới khách hàng.

Trước đó, trên cơ sở thẩm định của Cục Hàng không, ngày 14/2, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép bộ này cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung cho Công ty TNHH Sun Air.

Bộ Giao thông vận tải đánh giá Sun Air chọn sân bay Vân Đồn làm sân bay căn cứ và đỗ máy bay qua đêm cho đội máy bay của hãng là phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không và không gây áp lực lên vị trí đỗ máy bay, cơ sở hạ tầng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Về phương án kinh doanh và phát triển sản phẩm, trong hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không, Sun Air xác định rõ khách hàng mục tiêu là khách có nhu cầu sử dụng máy bay cá nhân bao gồm: lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, khách VIP, khách có khả năng chi trả cao, khách hàng là thành viên của Tập đoàn Sun Group.

Bên cạnh đó, Sun Air cũng sẽ cung cấp các dịch vụ: bay thuê chuyến, dịch vụ quản lý máy bay tư nhân, dịch vụ khai thác tại cảng và hậu cần. Do loại hình hoạt động là cung cấp dịch vụ các chuyến bay thuê chuyến nên mạng đường bay của Sun Air sẽ được thiết lập dựa vào nhu cầu của khách hàng.

Theo VTC

Tin tức liên quan